Khoa học và công nghệ: Nguồn lực của nền kinh tế tri thức
Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia là rường cột, định hình cho nền kinh tế tri thức. Xây dựng được hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia năng động, hiệu quả là yếu tố quyết định để nước ta trở thành nước phát triển dựa vào sáng tạo. Trách nhiệm trên thuộc về tất cả các bộ/ngành, mà trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). 60 năm qua, Bộ đã có đóng góp to lớn cho quá trình phát triển KH&CN, từ chỗ KH&CN manh nha, phân tán, tách rời với kinh tế, đến nay trở thành động lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong thời đại ngày nay, xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia làm khung sườn cho nền kinh tế mới là sứ mệnh nặng nề nhưng vẻ vang, đang được trao cho cơ quan quản lý KH&CN.
CMCN 4.0: Cuộc cách mạng làm thay đổi mọi mặt kinh tế, xã hội
CMCN 4.0 là giai đoạn phát triển cao của cuộc cách mạng số, nhưng khác biệt rõ rệt về tốc độ, tính hệ thống và phạm vi. Công nghệ bùng nổ, tích hợp thành những hệ thống, tạo ra sức mạnh tổng hợp, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) là một minh chứng: năm 1992, lần đầu tiên xuất hiện máy đánh cờ IBM thắng nhà vô địch cờ vua; năm 2011, IBM cho ra mắt hệ thống máy tính Watson không những có thể hiểu các câu hỏi mà còn trả lời chúng nhanh và chính xác hơn những người giỏi nhất. Sức mạnh này có được do sự tích hợp của nhiều công nghệ thành một hệ thống.
Các thành tựu mới của công nghệ thông tin kết hợp với những công nghệ cao khác đang làm thay đổi tận gốc quy trình làm ra sản phẩm, mô hình kinh doanh, cơ cấu lao động, quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội, lối sống, làm đảo lộn nhận thức, tư duy của con người.
Có thể nói CMCN 4.0 không còn là cách mạng KH&CN, mà trở thành cách mạng kinh tế - xã hội, làm biến chuyển thời đại từ nền văn minh công nghiệp lên nền văn minh trí tuệ, nền kinh tế công nghiệp lên nền kinh tế tri thức. Đối với nước ta, CMCN 4.0 là cơ hội vàng để bứt phá đi lên, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên trở thành nền kinh tế phát triển.
Những vấn đề của Việt Nam
Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa, thu hút FDI nhiều hơn, xuất/nhập khẩu tăng, nhưng doanh nghiệp chưa nâng cao được trình độ công nghệ, vẫn đứng ở phân khúc thấp của chuỗi giá trị toàn cầu.
So với thế giới, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp. Theo Global Competitivness Index Report 2019, Việt Nam đạt điểm số 61,5, xếp thứ 67/141 nền kinh tế, tăng so với năm trước 10 bậc, nhưng trong các nước ASEAN chỉ cao hơn Lào, Campuchia, Myanmar. Về mức độ phát triển đổi mới sáng tạo thì Việt Nam được đánh giá cao.
Những nhiệm vụ cốt yếu và vai trò của Bộ KH&CN
- Đổi mới thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh
- Cải cách giáo dục, đào tạo phục vụ nền kinh tế sáng tạo
- Đề cao tinh thần kinh doanh
- Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia
Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam số 11 năm 2019 (trang 12-14)