Quan trọng là nắm giữ công nghệ nguồn
“Doanh nghiệp Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài”, đó là ý kiến của GS Henri Dou - Giám đốc Tổ chức Đổi mới tình báo chiến lược Atelis - Đại học Kinh doanh và Quản lý (Pháp).
Theo ông Henri Dou, cũng không nên quá lo
lắng bởi phần lớn các nước đang phát triển đều phải phụ thuộc công nghệ nước
ngoài trong giai đoạn đầu. Ví dụ, từ thập niên 60 - 80 thế kỷ trước, Hàn Quốc
cũng phải mô phỏng công nghệ của nước ngoài để mở rộng các ngành công nghiệp
nhẹ, phát triển các ngành thay thế nhập khẩu. Nhưng đến nay, tổng sản phẩm quốc
nội của Hàn Quốc đứng thứ 10 thế giới.
Cũng cần lưu ý, với xu hướng thế giới
phẳng, hiện không có khái niệm công nghệ thuộc về quốc gia mà bản quyền thuộc
về các công ty (trừ những loại liên quan đến an ninh quốc phòng). Với doanh
nghiệp, mục tiêu lợi nhuận được xem như yếu tố hàng đầu khi họ quyết định đầu
tư.
Chính vì thế, chả có lý do gì để giữ rịt
công nghệ xịn cho “nước mình” và áp dụng công nghệ bèo nhèo ở “nước khác”. Với
họ, “nước mình” và “nước khác” là những khái niệm vô nghĩa. Động cơ duy nhất
khiến họ áp dụng công nghệ cao hay thấp là công nghệ nào đem lại lợi nhuận cao
nhất trong hoàn cảnh cụ thể của nước đó ở giai đoạn đó. Vậy nên, không khó để
tiếp cận với những công nghệ cao nếu như chúng ta đáp ứng được các yêu cầu mà
đối tác đưa ra.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Văn Lạng,
ươm tạo doanh nghiệp, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao là một cách tiếp
cận phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Thông qua các doanh nghiệp
này, công nghệ cao của nước ngoài được nhập về, sau khi nắm vững quy trình, nó
sẽ được nghiên cứu giải mã, từ đó Việt hóa và sáng tạo công nghệ “made in
Vietnam”. Hiện đã có một số DN Việt Nam rất thành công với mô hình này.
Để doanh nghiệp nắm giữ được công nghệ
nguồn, doanh nghiệp rất cần vai trò “người đỡ đầu” của Nhà nước như: hỗ trợ
hình thành nguồn nhân lực được đào tạo chuẩn mực về công nghệ, phù hợp với nhu
cầu thực tế sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của
các doanh nghiệp công nghệ; tạo mối liên kết để thu hút chất xám từ các viện
nghiên cứu, trường đại học - để các đối tượng này trở thành lực lượng hỗ trợ
mạnh mẽ cho doanh nghiệp.