Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất chất lượng
Việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất chất lượng được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ các điển hình tiên tiến năng suất chất lượng đến cộng đồng doanh nghiệp để học tập, nhân rộng.
Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Tính đến nay, hầu hết các các Bộ, ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp đã thực hiện xây dựng và triển khai thực hiện các dự án nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) sản phẩm hàng hóa của mình.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng các biện pháp, công cụ nâng cao NSCL, đội ngũ cán bộ của các đơn vị thuộc hệ thống cơ quan, tổ chức ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) và các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn có bộ phận chuyên trách về công tác TCĐLCL cần nắm vững kiến thức cơ sở về TCĐLCL và trang bị kiến thức nghiệp vụ nhất định để làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện các dự án, công việc đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước về TCĐLCL và nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp của mình. Do đó, việc đào tạo, tổ chức và xây dựng mạng lưới cán bộ, chuyên gia về NSCL được đặc biệt quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình.
Theo đó, từ năm 2013 đến nay, nằm trong nhiệm vụ thuộc Dự án 1 “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” và Dự án 2 “Thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng”, các đơn vị đã tổ chức xây dựng 20 chương trình đào tạo, gần 40 bộ giáo trình, tài liệu đào tạo và tổ chức hơn 150 khóa đào tạo về tiêu chuẩn hóa, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến, nâng cao NSCL theo các tiêu chuẩn quốc tế cho hơn 6.000 lượt học viên đến từ các Bộ, tỉnh, thành phố và doanh nghiệp trong cả nước. Có thể liệt kê một số chương trình, khóa đào tạo tiêu biểu như: Cán bộ, chuyên gia về tiêu chuẩn hóa (10 khóa, 400 học viên); Giảng viên về tiêu chuẩn hóa (2 khóa, 60 học viên); Giảng viên về NSCL (15 khóa, 450 học viên); Chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm (5 khóa, 150 học viên); Chuyên gia tư vấn và đánh giá tích hợp hệ thống quản lý (6 khóa, 180 học viên); Tổng quan về năng suất và áp dụng các công cụ nâng suất chất lượng (Lean, 6 Signma, 5S, Kaizen, TPM, MFCA, TWI, Đánh giá hiệu quả công việc (Work Sampling); Bố trí mặt bằng (Layout); Nghiên cứu thao tác và thời gian (Time Study); Năng suất xanh (Green Productivity)...
Trong đó, Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL (Trung tâm Đào tạo) cũng được giao nhiệm vụ chủ trì giúp Tổng cục TCĐLCL triển khai Chương trình. Trong năm 2018 và 2019 trung tâm đã tổ chức 21 khóa đào tạo tập trung về nghiệp vụ TCĐLCL và kỹ năng triển khai dự án NSCL tại các địa phương khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Cụ thể như: 12 khóa đào tạo nghiệp vụ cơ sở về TCĐLCL (gồm: Nghiệp vụ cơ sở về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và TBT; Nghiệp vụ cơ sở về đo lường-thử nghiệm; Nghiệp vụ cơ sở về chất lượng và quản lý chất lượng); 06 khóa đào tạo về đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực đo lường (gồm: Đánh giá hoạt động kiểm định hiệu chuẩn thử nghiệm; Đánh giá đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn); 03 khóa đào tạo kỹ năng triển khai thực hiện dự án NSCL (gồm: Kỹ năng thuyết trình; Kỹ năng phát hiện và xử lý vấn đề; Kỹ năng quản lý dự án NSCL); Và tổ chức 03 khóa đào tạo nghiệp vụ cơ sở về TCĐLCL sử dụng phần mềm đào tạo Web-based training để đáp ứng nhu cầu đào tạo cho các học viên không có điều kiện tham dự các khóa đào tạo tập trung…
Đại diện Trung tâm đào tạo cho biết: Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đo lường- quản lý đo lường, chất lượng- quản lý chất lượng là ba mặt công tác có liên quan mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau và việc nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp không thể bỏ qua một trong 3 yếu tố này.
Qua quá trình đào tạo trên cũng cho thấy, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc rất quan tâm đến các nội dung đào tạo của nhiệm vụ, thể hiện qua số lượng học viên đăng ký tham dự các khóa đào tạo vượt định mức, 12 khóa đào tạo đã tổ chức thu hút 521 người/221 tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp tham dự; Nhu cầu đào tạo theo các nội dung của nhiệm vụ là rất cao, đặc biệt là các khóa đào tạo nghiệp vụ cơ sở về Đo lường- Thử nghiệm và đánh giá về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, thể hiện qua số lượng đăng ký vượt quá số lượng dự kiến theo thuyết minh nhiệm vụ.
Đồng thời vị đại diện này cho hay, hiện một số doanh nghiệp cũng có nhu cầu được đào tạo theo một số nội dung khác ngoài các nội dung theo thuyết minh của nhiệm vụ. Nhu cầu được đào tạo của các địa phương, doanh nghiệp về hoạt động TCĐLCL còn nhiều xong trong khuôn khổ nhiệm vụ giới hạn 18 khóa đào tạo/50 người/1khóa.
Lê Thanh Tùng