EVFTA: Cơ hội cho nông sản Việt Nam?
EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam (chủ yếu là nông sản) được coi là “cánh cửa mở” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, nhưng điều đó chỉ thành hiện thực khi các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật của một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất thế giới hiện nay.
Hà Nội quảng bá nông sản Việt tại chợ đầu mối lớn nhất thế giới. Ảnh: congthuong.vn
Sau một quá trình dài gần 10 năm kể từ khi Việt Nam và EU bắt đầu đàm phán, vào ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - liên minh châu Âu (EVFTA) dẫn đến việc EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản) và ngược lại Việt Nam cam kết bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý của EU (chủ yếu là rượu và thực phẩm).
Vậy Hiệp định EVFTA sẽ mở ra cánh cửa cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản vào thị trường EU và dễ dàng kinh doanh các mặt hàng EU tại Việt Nam? Trên thực tế, để có thể tận dụng được cơ hội này, họ cần phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu mới.
Không dễ “đón đầu” cơ hội
Hơn 10 năm trước, Việt Nam đã quan tâm đến thị trường châu Âu và coi đó là một trong những thị trường tiềm năng của Việt Nam. Theo thống kê của Trung tâm xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI) của Hà Lan, EU chiếm 45% trị giá thương mại nông sản thế giới, 5/10 nước nhập khẩu nông sản nhiều nhất thế giới thuộc EU. Điểm khó tiếp cận lớn nhất là mặc dù thị trường “rộng mở”, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang EU còn rất khiêm tốn (chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu nông sản, theo thống kê của Bộ NN&PTNT năm 2018).
Nguyên nhân chính là do thị trường EU đưa ra những yêu cầu rất khắt khe. Dĩ nhiên, trước khi đi vào bất kỳ thị trường nào, doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ tên gọi (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý,...) mới có thể “yên tâm” kinh doanh nhưng việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho nông sản, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý ở EU, không hề đơn giản. Có hai vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam cần biết nếu muốn tìm con đường đến EU: thứ nhất, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho nông sản, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý ở EU, không hề đơn giản, tốn nhiều thời gian và chi phí cho các thủ tục giám định của các cơ quan chứng nhận nước ngoài...; thứ hai, mỗi một quốc gia, mỗi một thị trường lại có một hình thức bảo hộ khác biệt với sản phẩm có tên gọi xuất xứ gắn với địa danh. Ví dụ Việt Nam, các nước EU, Thái Lan,… bảo hộ theo dưới dạng “chỉ dẫn địa lý”, một số quốc gia khác bảo hộ dưới hình thức “nhãn hiệu chứng nhận” hoặc “nhãn hiệu tập thể”. Nhìn chung quá trình nộp đơn xin bảo hộ thông qua hình thức nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập thể thường đơn giản hơn đăng ký chỉ dẫn địa lý, do luật nhãn hiệu đã có lịch sử phát triển lâu dài và được chấp nhận chung ở nhiều nước. Do đó, hiện nay, Việt Nam mới có duy nhất một chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ ở EU là sản phẩm nước mắm Phú Quốc còn một số chỉ dẫn địa lý khác của Việt Nam được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài nhưng mới dưới hình thức nhãn hiệu, chẳng hạn cà phê Buôn Mê Thuột ở Hoa Kỳ, vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản…
Nay với Hiệp định EVFTA, không cần qua nhiều thủ tục đăng ký, EU sẽ tự động bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là gạo, thủy sản, các loại hoa quả,…) và đồng thời, Việt Nam cũng tự động bảo hộ 169 chỉ dẫn địa lý cho EU (chủ yếu là rượu mạnh, phô mai,...). Đây sẽ là tấm “giấy thông hành” bước đầu để vào thị trường EU. “Bình thường để đăng ký bảo hộ chỉ dẫn ở EU doanh nghiệp khổ như thế nào, bây giờ tự động được bảo hộ, chúng tôi thấy vui mừng không hết”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI đã nhận xét như vậy trong hội thảo “EVFTA - Một số cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý” do Bộ KH&CN và Bộ Công thương tổ chức ngày 27/8/2019.
Mặt khác, để các doanh nghiệp không chỉ “chuẩn bị tinh thần”, kịp thời nắm bắt cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường EU mà còn nhập khẩu mặt hàng EU về Việt Nam, các chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) tại hội thảo đã giới thiệu những điểm quan trọng về hàng rào kỹ thuật đi kèm với danh sách 169 chỉ dẫn địa lý của EU - điều mà từ trước đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa mấy quan tâm và dẫn đến cách hiểu hết sức nhầm lẫn. Ví dụ đối với mặt hàng pho mát, một số chỉ dẫn địa lý như “Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola” và “Feta” của EU đang được sử dụng như tên gọi thông thường của pho mát ở Việt Nam. Tương tự, chỉ dẫn địa lý “Champagne” – tên sản phẩm rượu được sản xuất ở khu vực Champagne của Pháp, lại được dùng như tên gọi thông thường cho rượu vang sủi bọt ở Việt Nam (rượu “sâm panh”). Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào tháng 7/2020 (theo dự kiến) thì các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách gọi của mình, tùy theo từng trường hợp nhất định: đối với chỉ dẫn địa lý “Champagne”, sau 10 năm nữa, Việt Nam phải sử dụng tên gọi khác; với các doanh nghiệp kinh doanh pho mát “Asiago”, “Fontina”, “Gorgonzola” và “Feta” trước ngày 01/01/2017 tại Việt Nam thì vẫn có thể tiếp tục kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo GlobalGap và HACCP
Việc EU công nhận bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý thông qua Hiệp định EVFTA mới chỉ là bước đầu để xuất khẩu nông sản vào EU, theo nhận định của các chuyên gia Cục Sở hữu trí tuệ. Bản chất của vấn đề là “sau khi có được giấy thông hành rồi, chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm thì mới tiến được vào thị trường khó tính như châu Âu. Hàng loạt các quy định, yêu cầu của họ rất khắt khe, nhất là các quy định về các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thực phẩm”, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhận xét.
Cụ thể, EU yêu cầu các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường EU phải đạt hai loại chứng nhận cơ bản là GlobalGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) và chứng nhận HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở phân tích các mối nguy hiểm và điểm kiểm soát tới hạn, tương tự hệ thống quản lý chất lượng ISO). Đây là thách thức không nhỏ với Việt Nam bởi hiện nay, tỉ lệ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam theo VietGap (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam) còn chưa nhiều, chưa nói đến tiêu chuẩn cao hơn là GlobalGap. Tiêu chuẩn GlobalGap yêu cầu người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu canh tác đến thu hoạch, chế biến bởi GlobalGap tập trung vào yếu tố an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Toàn bộ thông tin trong quá trình sản xuất như làm sạch đất, chọn giống cây trồng vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... đều phải ghi lại. Ngoài ra, GlobalGap cũng đề cập đến các tiêu chí khác như phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường…, tổng cộng hơn 200 tiêu chí. Do đó, phần lớn các đơn vị đạt chứng nhận GlobalGap đều là những doanh nghiệp lớn, có nhiều nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp như tập đoàn ADC, Vinamilk, TH True Milk… Bên cạnh đó, việc thực hiện theo tiêu chuẩn GlobalGap cần các doanh nghiệp chú ý đến những quy định hết sức nghiêm ngặt trong việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật của EU.
Những tiêu chuẩn của EU là hàng rào kỹ thuật không dễ vượt qua cho các mặt hàng nông sản Việt Nam nhưng nhìn ở góc độ khác, nhiều người cho rằng nó cũng tạo “áp lực” để ngành nông nghiệp Việt Nam thay đổi cách thức sản xuất quen thuộc: chỉ quan tâm đến số lượng sản phẩm mà ít quan tâm đến việc sản phẩm đó có đạt yêu cầu của các thị trường hay không. Khi các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc đạt tiêu chuẩn EU là tiêu chuẩn mới cho mình thì sẽ hạn chế được sự bấp bênh trong xuất khẩu bởi có một thực tế là các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU đều theo cơ chế hậu kiểm. Do đó, khi sản phẩm cập bến EU mới trải qua quá trình kiểm tra, nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí tiêu hủy. Lúc đó, cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp sẽ phải chịu nhiều thiệt hại nếu không kiểm soát chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất. Về lâu dài, “điều này sẽ làm giảm giá trị của chỉ dẫn địa lý”, ông Lê Ngọc Lâm nhận xét.
Thanh An