Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia: Chuẩn mực quan trọng nâng tầm chất lượng hàng Việt
Chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” đã lan tỏa ở khắp các lĩnh vực quan trọng của đời sống kinh tế - xã hội.
Trong đó, dự án thành phần “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, trong thời gian vừa qua đã tạo bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm, hàng hóa và hội nhập quốc tế.
Có thể thấy, nhiệm vụ được triển khai từ năm 2011 đã mang lại những tác động rõ nét. Nếu trước đây, việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả...), quy chuẩn Việt Nam (quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ…) là điểm yếu thì nay một bức tranh hoàn toàn mới xuất hiện.
Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong năm 2019, dự án đã đem lại gần 900 tiêu chuẩn Việt Nam, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hơn 500 tiêu chuẩn, xã hội hóa được 12 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn làm theo đặt hàng của các hiệp hội và doanh nghiệp (sử dụng kinh phí của doanh nghiệp). Tập trung cho các đối tượng là sản phẩm, hàng hóa chủ lực và lĩnh vực liên quan, phục vụ kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhu cầu sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa... Đây là tín hiệu tốt, cho thấy xã hội quan tâm đến lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, hơn 250 tiêu chuẩn do các bộ, ngành xây dựng đã được chuyển tới Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, trong đó nhiều nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đáng chú ý, năm 2019 Bộ KH&CN đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn soát xét, xây dựng, hình thành bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ và đang xem xét xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về Sâm Ngọc Linh.
Nhằm phổ biến sâu rộng các tiêu chuẩn, các quy định mới này, các thành viên thực hiện dự án đã chú trọng đến việc phổ biến thông qua các chương trình hướng dẫn trên quy mô toàn quốc. Nhờ vậy, hơn 350 tiêu chuẩn đã được giới thiệu cho hơn 2.000 tổ chức, doanh nghiệp, hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho khoảng 1500 lượt doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, luyện kim, điện- điện tử, sản xuất sản phẩm nhựa, giấy, nông nghiệp, thực phẩm...
Bên cạnh chất lượng của hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia ngày càng được nâng lên thông qua đào tạo nghiêp vụ, kỹ năng cho các thành viên Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và các cán bộ làm công tác tiêu chuẩn hóa tại các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các ban kỹ thuật… Ngoài ra, chú trọng nhân rộng triển khai giảng dạy tiêu chuẩn hóa vào các trường đại học. Cụ thể là 11 trường với hơn 2000 sinh viên đép tiếp cận, đào tạo cho khoảng 3000 học viên, giảng viên tại 14 trường đại học trong cả nước, ngoài các nội dung cơ bản về tiêu chuẩn, quy chuẩn còn cập nhật, giới thiệu tới các học viên về nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh để tiếp cận gần hơn với CMCN.4.0.
Theo thống kê của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đang ngày càng phát triển với trên 11.500 TCVN và hàng vạn tiêu chuẩn cơ sở, làm chuẩn mực quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Tỷ lệ hài hòa của TCVN với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực không ngừng được nâng lên, đến nay đã đạt 54%. Hệ thống này đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, góp phần tăng cường xuất khẩu và thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bảo Anh