Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đốt trấu hóa khí và chế tạo bếp đun trấu hóa khí quy mô hộ gia đình nông thôn TP Cần Thơ
Ngày 6/12/2011, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ đã tổ chức Đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đốt trấu hóa khí và chế tạo bếp đun trấu hóa khí quy mô hộ gia đình nông thôn TP Cần Thơ” do Ths. Đỗ Hữu Hoàng - Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm. Đề tài được triển khai tại ấp Quy Lân 7, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Qua thời gian triển khai, Ban chủ nhiệm đã thiết kế 03 mô hình bếp đốt trấu hóa khí theo 03 nguyên lý (thuận, nghịch và dòng ngang); nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất của bếp; tính toán và thiết kế các cụm thiết bị phụ trợ ngoài buồng đốt trấu hóa khí; xây dựng quy trình chế tạo, lắp ráp và hướng dẫn sử dụng bếp đốt trấu hóa khí. Tác giả đã nghiên cứu thành công ở 02 loại hình bếp đốt trấu hóa khí (theo nguyên lý thuận và nghịch).
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, bếp đốt trấu hóa khí theo mẻ (theo nguyên lý nghịch) có hình dáng gọn với kích thước 300 x 300 x 935mm, làm bằng vật liệu cách nhiệt. Hiệu suất đốt 70 ±75% phù hợp với hộ gia đình. Bếp đốt trấu hóa khí liên tục (theo nguyên lý thuận) có kích thước 2.000 x 500 x 1.800 mm, làm bằng vật liệu cách nhiệt. Hiệu suất đốt 75 ± 80%, phù hợp với các cơ sở sản xuất bánh trámg, bún, hủ tiếu,… Hai loại bếp này khi cháy có ngọn lửa màu xanh ít khói hơn bếp trấu truyền thống, an toàn, không sinh ra khí độc ảnh hưởng đến sức khỏe như đốt than, không gây nổ, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Từ kết quả đạt được, tác giả và đại diện Sở Khoa học và Công nghệ đã bàn giao 2 loại bếp đốt trấu cho 04 nông dân Huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ.