SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nơi đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao cho đất nước

[19/12/2011 08:33]

Tiền thân là Trường trung học Công nghiệp Nam Hà (thành lập năm 1966), Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Ðịnh là một trong các cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề hàng đầu của cả nước. Nhà trường đang từng bước khắc phục khó khăn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

Trong 45 năm xây dựng và phát triển, nhất là từ khi được nâng cấp thành trường đại học, thầy và trò nhà trường đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn; triển khai thực hiện nghiêm túc các phong trào: "Hai không", "Dạy tốt, học tốt", "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" và Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... tạo nên bước phát triển vượt bậc, toàn diện. Nhà trường cũng triển khai đồng bộ các giải pháp từng bước mở rộng quy mô, ngành nghề và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng được hơn 10 nghìn giáo viên dạy nghề các trình độ từ trung cấp, cao đẳng đến đại học có chất lượng cho các cơ sở dạy nghề trên cả nước. Ngoài ra, trường còn đào tạo được hàng nghìn kỹ sư, cử nhân cao đẳng các ngành công nghệ kỹ thuật và kinh tế, cũng như các loại trình độ khác; đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề, giáo viên, giảng viên sư phạm kỹ thuật, phục vụ thiết thực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, nhất là cho các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng nam sông Hồng.

Nhà trường luôn coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý bằng việc hằng năm tổ chức thi, tuyển chọn các sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi từ các trường đại học hàng đầu trong nước cũng như có chính sách thu hút cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ về công tác tại trường. Ðồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ giảng dạy và quản lý hiện có. Hằng năm, trường cử từ 15 đến 30 người đi học cao học và làm nghiên cứu sinh, hàng chục lượt người dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ ngắn hạn ở trong và ngoài nước. Mặt khác, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động để mọi người yên tâm công tác, gắn bó hơn với nhà trường. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể, cả về số lượng và chất lượng (lực lượng cán bộ, giảng viên của trường hiện có 210 người, trong đó 154 người có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ).

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của thầy và trò, tuy còn khó khăn, nhưng cơ bản đáp ứng được nhu cầu hoạt động của nhà trường với 60 phòng học lý thuyết, gần 100 phòng thí nghiệm, xưởng thực hành với trang thiết bị khá hiện đại, đồng bộ của các nước khu vực châu Âu. Mạng in-tơ-nét kết nối 900 máy tính, thư viện có gần 4.500 đầu sách, báo, tạp chí. Trên cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà trường áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, thực hiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản lý. Hằng năm, nhà trường đều tổ chức tự đánh giá kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng và công bố chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, thái độ, vị trí làm việc đối với sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng và thực hiện  công khai về mục tiêu và chất lượng đào tạo, lực lượng giảng viên và các nguồn lực của trường, công khai tài chính để học sinh, sinh viên và xã hội biết và giám sát. Tổ chức lấy ý kiến của người học về hoạt động giảng dạy của cán bộ giáo viên, ý kiến phản hồi của các đơn vị tiếp nhận, sử dụng sinh viên tốt nghiệp của trường để kịp thời rút kinh nghiệm trong hoạt động giảng dạy và điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp. Chính vì vậy, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp, ngoài việc làm cán bộ giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học hoặc trường dạy nghề, giáo viên hướng nghiêp - dạy nghề trong các trường trung học phổ thông, còn có thể làm việc trong các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất với tư cách là cán bộ kỹ thuật hoặc quản lý...

Nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ chủ yếu của nhà trường. Trong năm năm gần đây, nhà trường thực hiện 14 đề tài cấp bộ, hai đề tài cấp tỉnh và hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Các đề tài khoa học chủ yếu hướng vào việc giải quyết các yêu cầu của thực tế về ứng dụng công nghệ và những vấn đề mới thuộc các lĩnh vực sư phạm kỹ thuật, quản lý giáo dục. Nhà trường luôn coi trọng phương châm gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy và chất lượng đào tạo.

Quán triệt các quan điểm của Ðảng về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, nhà trường xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển trường đến năm 2020 trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Theo đó, củng cố bộ máy tổ chức, ban hành các văn bản quản lý quan trọng và thiết yếu; tiếp tục thực hiện "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"... giúp cho hoạt động của nhà trường thật sự dân chủ, có kỷ cương và đạt hiệu quả.

Phấn đấu đưa Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Ðịnh trở thành một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học có uy tín, đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia, tiếp cận trình độ các trường đại học tiên tiến khu vực ASEAN và quốc tế; cung cấp nguồn giáo viên dạy nghề và nhân lực công nghệ, kỹ thuật, kinh tế trình độ cao, phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Ðể đạt được mục tiêu đó, trường đang tập trung mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo; phấn đấu đến năm 2015 quy mô đào tạo của trường là 10 nghìn, đến năm 2020 là 15 nghìn học sinh, sinh viên. Trong đó tập trung đầu tư bốn ngành trọng điểm, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN là công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ thông tin. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên sâu, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ vào thực tế đời sống. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên; phấn đấu đến năm 2015 có 75% số giảng viên có trình độ sau đại học, đến năm 2020 có 90% số giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Tập trung đầu tư để hoàn thiện các khu giảng đường, thí nghiệm và ký túc xá sinh viên, bổ sung, nâng cấp các trang thiết bị tại cơ sở hiện nay.

Báo Nhân dan (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ