Cảnh báo nguy hiểm khi sử dụng găng tay y tế không đạt chuẩn
Việc người dân mua phải găng tay y tế không đạt chuẩn về dùng là rất nguy hiểm cho sức khỏe, bởi từ đây nhiều nguồn bệnh sẽ lây lan nếu không được xử lý diệt khuẩn.
Thời gian gần đây, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều cá nhân, cơ sở kinh doanh đã lợi dụng tình hình này để thu gom, buôn bán thiết bị y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây nguy hiểm trực tiếp cho người sử dụng. Sau khẩu trang y tế thì găng tay y tế cũng là mặt hàng “hot” được những đối tượng xấu lợi dụng kinh doanh kiếm lời.
Hàng chục nghìn găng tay y tế không đạt chuẩn
Điển hình, ngày 1/8/2020, theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT số 26 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp Cục an ninh chính trị nội bộ (A03) tiến hành kiểm tra Công ty cổ phần quốc tế Royal VIệt Nam, địa chỉ số 20 khu villa 2 Huynhdai, phường Hà Cầu, Hà Đông.
Kết quả, Đoàn kiểm tra phát hiện và tạm giữ 24.000 chiếc găng tay cao su chưa xuất trình được công bố tiêu chuẩn sản phẩm và vi phạm về nhãn; 142 kg găng tay cao su không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lấy 01 mẫu giám định chất lượng để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng phát hiện hàng nghìn chiếc găng tay cao su chưa xuất trình được công bố tiêu chuẩn sản phẩm.
Trong một diễn biến có liên quan, trước đó, Cục Nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT tỉnh Hòa Bình phối hợp với C05 và A03 của Bộ Công an tổ chức kiểm tra, phát hiện hàng nghìn chiếc găng tay cao su đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc tại Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư xây dựng BM do bà Nguyễn Thị Hoa làm Giám đốc, có địa chỉ tại Khu công nghiệp Lương Sơn (Hòa Bình).
Cụ thể, khi kiểm tra tại Công ty BM, lực lượng chức năng tạm giữ hơn 100 nghìn chiếc khẩu trang y tế dùng một lần loại 3,4 lớp đang trong giai đoạn hoàn thiện. Lực lượng chức năng còn phát hiện hàng nghìn chiếc găng tay cao su đã qua sử dụng và Công ty BM chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc số găng tay này.
Mầm bệnh nguy hiểm
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là sử dụng găng tay y tế không đạt tiêu chuẩn chất lượng gây ảnh hưởng như thế nào đối với người dùng? Các chuyên gia y tế cho biết, găng tay y tế là găng tay được dùng một lần sử dụng trong khám bệnh; giúp ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa người chăm sóc và bệnh nhân. Trong y tế thường sử dụng 2 loại găng tay cao su: Thứ nhất là loại mỏng, các y tá, bác sỹ thường dùng vào việc tiêm, xét nghiệm; Loại thứ hai dày hơn dùng trong phẫu thuật, điều trị bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm… Sau khi sử dụng, những găng tay này cần phải được vứt bỏ, tiêu hủy.
Về tính nguy hại của loại găng tay này, ông Vũ Đức Khánh, nguyên Trưởng khoa Mắt, tai mũi họng Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, việc người dân mua phải găng tay y tế không đạt chuẩn về dùng lại là rất nguy hiểm cho sức khỏe, bởi từ đây nhiều nguồn bệnh sẽ lây lan nếu không được xử lý diệt khuẩn, nguy hiểm nhất là khi găng tay còn dính máu. Đồng thời, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tìm đến các cơ sở uy tín, sản phẩm rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng tránh “tiền mất tật mang”.
Nói thêm về hiện tượng rác thải y tế, trong đó có găng tay bị tuồn ra ngoài, rồi được tẩy rửa và bán cho người có nhu cầu, ông Khánh khẳng định điều này đang diễn ra, do một số cá nhân ham lợi nhuận cũng như quy trình xử lý, quản lý chất thải y tế của nhiều cơ sở y tế còn lỏng lẻo.
Bởi vậy, để xử lý tình trạng trên, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, cần tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan quản lý chất thải y tế; xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật về xử lý chất thải y tế phù hợp từng loại hình cơ sở y tế. Bên cạnh đó, quy trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế trong việc thực hiện quản lý chất thải y tế tại đơn vị; đưa kết quả thực hiện về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường vào nội dung đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng hằng năm của cơ sở y tế; tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý chất thải y tế, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải y tế phù hợp theo định hướng áp dụng công nghệ mới bảo đảm tính thân thiện với môi trường trên cơ sở khối lượng, thành phần của chất thải y tế phát sinh, điều kiện mặt bằng xây dựng, phù hợp khả năng tài chính của cơ sở y tế và bảo đảm quy chuẩn quốc gia về môi trường; phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cơ sở y tế.
Ngày 31-12-2015, Bộ Y tế và Bộ TN&MT ban hành Thông tư liên tịch số 58/2015 quy định quản lý chất thải y tế. Theo quy định, chất thải lây nhiễm cao (bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; chất thải thấm, dính, chứa máu hoặc dịch sinh học của cơ thể; các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly…) được đựng trong túi hoặc thùng có lót túi màu vàng. Chất thải lây nhiễm phải được giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý và phải được cấp phép hoạt động.
Chất thải y tế thông thường được phép thu gom phục vụ mục đích tái chế gồm chai, lon nước giải khát bằng nhựa và đồ nhựa sử dụng trong sinh hoạt khác; chai, lon nước uống giải khát và các vật liệu kim loại khác. Chất thải được phép tái chế phải đựng trong túi màu trắng.
Tuy nhiên, khi chất thải tái chế đựng chung với chất thải lây nhiễm (trong túi màu vàng) thì chất thải tái chế được xem là chất thải lây nhiễm và phải tiêu hủy. Chất thải được phép tái chế có nguồn gốc trong bệnh viện bị cấm dùng sản xuất các đồ dùng, bao gói sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm.
Thanh Tùng