SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất: ‘Xây’ niềm tin, ‘dựng’ uy tín

[17/11/2020 09:07]

Việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến chính là “chiếc vé” đầu tiên giúp mang lại niềm tin cho khách hàng và tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). 

Doanh nghiệp dần hòa vào sân chơi chung

Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam luôn là vấn đề rất được chú trọng trong quá trình ban hành chính sách thúc đẩy phát triển nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, trong giai đoạn chiến lược 2011-2020, Việt Nam bước vào một nấc thang phát triển mới, khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (theo thang tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới), nâng cao năng suất, chất lượng trở thành trọng tâm của chính sách thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Trong bối cảnh đó, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” có ý nghĩa quan trọng và được đặt kỳ vọng rất lớn.

TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đến nay, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng những hệ thống quản lý doanh nghiệp chuẩn mực, hiện đại trên thế giới như ISO, LEAN, 5S… Từ đó giúp cải thiện hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, giúp doanh nghiệp đạt được các chuẩn mực quản lý của thế giới, hòa vào sân chơi chung trên thị trường quốc tế.

Là một doanh nghiệp điển hình tiếp cận hệ thống quản lý và các công cụ cải tiến, ông Nguyễn Mạnh Đức - Giám đốc điều hành sản xuất Công ty CP nhựa Thái Bình Dương cho biết: Mặc dù vẫn là một doanh nghiệp tương đối non trẻ, nhưng với tầm nhìn chiến lược của công ty là xác định hàng hóa phục vụ xuất khẩu 100%, đáp ứng yêu cầu của khách hàng khó tính, chúng tôi luôn tâm đắc 3 trụ cột là: Chất lượng sản phẩm; Thời gian tiến độ giao hàng; Tiết kiệm, giảm chi phí sản phẩm.

“Ban đầu, khi doanh nghiệp mới thành lập chỉ có một số lượng ít công nhân, việc giám sát quy trình sản xuất được sát sao, thường xuyên. Tuy nhiên, đến khi số lượng nhân công ngày càng nhiều hơn, chúng tôi thấy cần thiết phải có một hệ thống nào đó để giữ ổn định chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, để các công nhân viên trong công ty cùng thực hiện. Đó chính là lý do chúng tôi chọn áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến như ISO 9001, mô hình 5S.

Công ty CP nhựa Thái Bình Dương chọn áp dụng các hệ thống, công cụ cải tiến như ISO 9001, mô hình 5S nhằm nâng cao năng suất. 

Khi mới tiếp cận với phương pháp 5S, chúng tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản về phương pháp này là cách để giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhà xưởng giống như việc làm bình thường hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi có sự hỗ trợ tư vấn của chuyên gia, sự giúp đỡ chia sẻ nhiệt tình từ phía Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, chúng tôi đã nhận thức sâu sắc hơn về việc áp dụng 5S một cách bài bản, hệ thống, triển khai cho tất cả các anh em trong công ty cùng thực hiện. Khách hàng của chúng tôi lên thăm nhà máy cũng đánh giá cao doanh nghiệp chúng tôi- dù non trẻ nhưng rất chuyên nghiệp” - ông Mạnh Đức chia sẻ.

Đồng thời, ông Mạnh Đức cho hay, việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến chính là “chiếc vé” đầu tiên giúp mang lại niềm tin cho khách hàng và tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp.

Cần chủ động tháo gỡ vướng mắc

Mặc dù việc triển khai xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất ở các doanh nghiệp đem lại hiệu quả rõ rệt, thế nhưng giới chuyên gia đánh giá vẫn còn những vướng mắc, khó khăn doanh nghiệp gặp phải khi thực hiện các hoạt động trên. Cụ thể, bà Vũ Hồng Dân – Chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) phân tích: Cản trở trước tiên là sức ì tâm lý, kể cả lãnh đạo. Nghĩa là, dù người đứng đầu muốn thay đổi nhưng đôi khi vẫn theo phản xạ với guồng cũ.

Thứ hai, hệ thống quản lý cũng phải có hàng chục hệ thống quản lý khác nhau, doanh nghiệp thường cảm thấy bối rối, không biết bắt đầu từ đâu, không biết lựa chọn như thế nào. Bởi vậy, việc quan trọng là doanh nghiệp phải chọn đúng và làm có lộ trình, không phải cái gì chúng ta cũng chọn bởi nó sẽ giống như các món ăn, cái gì cũng cho vào thì thành như lẩu thập cẩm.

“Chúng ta không phải làm hình thức để có được chứng chỉ ISO, mà phải hướng đến hiệu quả, để thực sự nâng cao được năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa”, bà Hồng Dân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, TS. Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động, có chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu. Đồng thời cần sớm xóa bỏ tư duy kinh doanh luộm thuộm, ngắn hạn và thay bằng tư duy chuyên nghiệp, nâng cao quản trị doanh nghiệp, giữ vững uy tín trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang kí kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ví như “con đường cao tốc hướng Tây” mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đem sản phẩm chất lượng chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ