SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sản xuất theo quy trình VietGAP - Minh chứng cho chất lượng, hiệu quả

[17/11/2020 09:19]

Xu hướng tiêu dùng ngày càng chú trọng đến chất lượng sản phẩm, ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh - sạch - lành của người tiêu dùng đang tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thực phẩm khắp nơi trên thế giới. VietGAP là một trong những tiêu chuẩn phổ biến được người tiêu dùng nhận diện như một minh chứng cho chất lượng và độ an toàn của nông sản, thực phẩm.

Áp dụng thành công phương thức trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đang tạo bước ngoặt, giúp Hợp tác xã chè Hảo Đạt gặt hái thành công.

Áp dụng thành công VietGAP, Hợp tác xã chè Hảo Đạt chủ động đẩy mạnh đầu tư, mở rộng quy mô vùng chè nguyên liệu lên 10.000m2 theo quy trình VietGAP, bắt tay xây dựng thương hiệu, đồng thời, chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm và an toàn lao động.

Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: “Sản xuất an toàn là yêu cầu bắt buộc của Hợp tác xã đối với các thành viên trồng chè nhằm đảm bảo cho nguồn nguyên liệu chè đầu vào luôn đạt được chất lượng cao nhất, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và nâng cao an toàn lao động cho người sản xuất”.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm, trong quá trình sản xuất, Hợp tác xã nói không với các loại hóa chất độc hại, ưu tiên các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân chuồng ủ hoai và các loại thuốc trừ sâu sinh học. Điển hình, trong quá trình sử dụng phân bón, các loại phân vô cơ (đạm, lân, kali…) được Hợp tác xã tính toán chuẩn về lượng và chỉ sử dụng vào thời điểm đầu sinh trưởng của vườn cây. Khi cây chè trưởng thành, các loại phân hữu cơ, ủ hoai sẽ được ưu tiên.

Trong quá trình sử dụng máy móc, các thành viên, người lao động của Hợp tác xã được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, vận hành máy hiệu quả, đảm bảo năng suất lao động, tính an toàn trong quá trình sử dụng. “Chính nhờ phương thức sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn lao động, nâng cao khoa học - kỹ thuật, giúp thành viên Hợp tác xã yên tâm làm việc và phát huy hết khả năng trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao hơn” - Giám đốc Đào Thanh Hảo nhấn mạnh.

Việc áp dụng thành công phương thức trồng chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đang tạo bước ngoặt, giúp Hợp tác xã chè Hảo Đạt (Tân Cương, Thái Nguyên) gặt hái thành công, mang lại giá trị cao cho thành viên, người lao động.

Tiếp đó, với việc áp dụng thành công quy trình sản xuất lúa Bắc thơm số 7 theo tiêu chuẩn VietGAP, thương hiệu gạo Phú Khê xã Hoằng Phú (Thanh Hóa) ngày càng được củng cố trên thị trường, được các thương lái đặt mua với giá cao và ổn định.

Nhận thức được lợi ích to lớn mà quy trình sản xuất lúa VietGAP mang lại nên ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp xã Hoằng Phú đã thuê lại diện tích của các hộ dân trong vùng quy hoạch và thuê lại chính các hộ dân đó làm nhân công trực tiếp sản xuất. Hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban quản lý VietGAP, phân công nhiệm vụ cụ thể và chỉ đạo cho tổ sản xuất, tổ kỹ thuật, tổ kiểm tra tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ từ việc vệ sinh đồng ruộng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước tưới tiêu, ghi nhật ký hàng ngày... Nhờ đó mà tỷ lệ sâu, bệnh hại trên lúa ít hơn, giúp quản lý cây trồng tổng hợp theo phương thức ICM, hay còn gọi là “3 giảm, 3 tăng” trong sản xuất theo quy trình VietGAP (giảm lượng giống hoặc lượng nước tưới, giảm lượng đạm bón dư thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật và tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích).

Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa đã về đánh giá quy trình sản xuất và lấy mẫu lúa thực hiện công tác kiểm nghiệm. Kết quả là, đã có 10 ha sản xuất lúa được trung tâm cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. “Người dân phấn khởi vì trước đây sản xuất lúa theo cách truyền thống chỉ đạt 54 tạ/ ha, giờ sản xuất lúa theo quy trình VietGAP đạt tới 74 tạ/ha. Không chỉ thế, giá trị thu nhập cũng tăng hơn 20% và quan trọng hơn, ngay sau khi thu hoạch, các thương lái đã đặt mua nhanh gọn với giá cao. Điều này giúp người nông dân yên tâm sản xuất, vì vừa giảm được chi phí, cho lợi nhuận cao, vừa đảm bảo được sức khỏe và có thị trường tiêu thụ ổn định, không còn phải lo tình trạng “được mùa mất giá” vốn vẫn luôn phổ biến trong nông nghiệp. Đó là lí do mà hiện nay, rất nhiều hộ dân đã đăng ký tham gia sản xuất lúa vụ chiêm xuân theo quy trình VietGAP”, ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Hoằng Phú phấn khởi cho biết.

VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hà My

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ