Áp dụng công cụ cân bằng chuyền giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất
Với mục tiêu gia tăng năng suất bền vững, Công ty TNHH SX TM Sáng Việt (Elink) đã tham gia chương trình năng suất quốc gia và lựa chọn công cụ Cân bằng chuyền để tăng năng suất chuyền lắp ráp. Từ hiệu quả áp dụng đã chứng minh, sự lựa chọn của Công ty là hoàn toàn đúng đắn.
Hình 1: Hiện trạng lắp ráp đèn led.
Lựa chọn công cụ Cân bằng chuyền
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng sản phẩm chiếu sáng thông minh có chất lượng tốt và thân thiện môi trường, với mục tiêu gia tăng năng suất bền vững, Công ty TNHH SX TM Sáng Việt (Công ty) đã tham gia vào Chương trình năng suất quốc gia và lựa chọn công cụ Cân bằng chuyền (hay còn gọi là Cân bằng dây chuyền sản xuất)- công cụ được áp dụng để tăng năng suất chuyền lắp ráp. Việc tăng năng suất, đồng nghĩa với việc giảm chi phí sản xuất.
Cân bằng dây chuyền sản xuất (Heijunka) là một trong những công cụ quan trọng của phương pháp sản xuất tinh gọn Lean. Heijunka được ứng dụng tập trung vào việc làm cho quá trình sản xuất được cân bằng, đồng đều cả về lượng và loại các sản phẩm lỗi.
Theo đại diện Công ty TNHH SX TM Sáng Việt, năng suất lao động đóng vai trò quan trọng trong tổng giá thành sản phẩm của Công ty. Kiểm soát được giá thành, giảm giá thành một cách hợp lý là cơ sở để gia tăng khoảng cách cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành.
“Tại Nhà máy, công đoạn lắp ráp linh kiện cuối để trở thành sản phẩm hoàn chỉnh là khó tự động hóa nhất. Công ty đang tìm cách tự động hóa công đoạn này nhưng phải mất nhiều thời gian và cả chi phí lẫn số lượng phải sản xuất ra ứng với công suất của chuyền tự động. Trước mắt việc lắp ráp thủ công vẫn còn là khả dĩ để chọn lựa”, đại diện Công ty cho biết.
Hiệu quả rõ rệt về năng suất
Vì vậy, để tăng năng suất trong điều kiện hiện có, Công ty đã lựa chọn một chuyền lắp ráp bóng đèn led để làm mô hình thí điểm trong việc áp dụng công cụ Cân bằng chuyền. Áp dụng thành công trên chuyền này sẽ tạo điều kiện triển khai cho các chuyền tương tự khác.
Cụ thể, ban đầu thu thập dữ liệu lắp ráp hiện tại, Nhóm cải tiến của Công ty thấy rằng thời gian thực hiện mỗi công đoạn rất khác nhau (hình 1) và công nhân sẽ tự san sẻ thời gian dư cho các công đoạn khác, nơi có thời gian làm dài hơn, tồn nhiều bán thành phẩm trên chuyền hơn. Kết quả khảo sát ban đầu như sau: Số công đoạn: 25; Tổng quãng đường di chuyển của một sản phẩm là 106 m; Số công nhân tham gia lắp ráp trong chuyền là 11 người; Năng suất: 4.4 phút/ sản phẩm.
Nhóm cải tiến đã sắp xếp lại sơ đồ mặt bằng để giảm đoạn đường phải di chuyển giữa các công đoạn. Giảm được quãng đường đi cũng có nghĩa là công nhân có nhiều thời gian hơn để tạo sản phẩm hơn. Với cách sắp xếp mới này quãng đường di chuyển một sản phẩm đèn led đã giảm từ 106 m xuống còn 100 m.
Hình 2: Sắp xếp mặt bằng chuyền lắp ráp đèn led.
Sắp xếp lại các công đoạn bằng các nhập tách các công đoạn một cách hợp lý sao cho giữa các trạm mới có thời gian gần bằng nhau nhất. Điều này giúp tất cả các trạm, các công nhân đều có thời gian làm việc gần như nhau và không phải di chuyển qua lại giữa các công đoạn. Với cách sắp xếp này, bán thành phẩm sẽ ít tồn trên chuyền và năng suất sẽ gia tăng.
Hình 3: Sắp xếp các trạm làm việc sau khi cân bằng thời gian.
Đánh giá việc áp dụng công cụ Cân bằng chuyền đem đến hiệu quả về năng suất, lãnh đạo Công ty cho biết: Các cải tiến đều có khả năng thực hiện được và cải tiến đã mang lại lợi ích đáng kể cho nhà máy nói riêng và Công ty nói chung. Để cải tiến thành công, cần có sự cam kết và tham gia của lãnh đạo, đây là yếu tố quyết định trong việc thực hiện các cải tiến. Đồng thời, sự tham gia của người quản lý cũng như sự đóng góp tích cực của công nhân lắp ráp giúp nhóm cải tiến thành công.
Bảng 1: Bảng đánh giá kết quả cải tiến.
Với cách làm tương tự, nhà máy tiếp tục duy trì và cải tiến để mang lại lợi ích nhiều hơn cho toàn Công ty. Sau 2 năm, nhà máy và Công ty đã nhân rộng các cải tiến cho các chuyền còn lại nhằm gia tăng năng suất và tái sắp xếp lại công nhân trong khi không cần phải tuyển dụng thêm trong điều kiện thiếu hụt công nhân trên thị trường lao động.
Theo nhận định của các chuyên gia, rõ ràng không thể phủ nhận việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, khi mà điều kiện vật chất chưa cho phép thì việc áp dụng các biện pháp quản lý kết hợp với việc đào tạo và phân chia thành quả hợp lý cũng là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp nâng cao năng suất. Từ hiệu quả áp dụng công cụ Cân bằng chuyển của Công ty TNHH SX TM Sáng Việt là minh chứng rõ nét nhất cho nhận định trên.
Nguyễn Đào Duy Tải