SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bộ Thông tin và Truyền thông: Năng suất chất lượng tạo đà cho doanh nghiệp hội nhập 4.0

[20/11/2020 08:37]

Thời gian qua, năng suất chất lượng tại doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, là tiền đề quan trọng giúp hàng hóa Việt đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Có được điều này một phần không nhỏ là nhờ Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng đã hỗ trợ danh nghiệp trong tiến trình chuẩn bị năng lực phục vụ hội nhập.

 Chuyển đổi số là vấn đề sống còn trong quá trình phát triển kinh doanh.

Tại Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiệm vụ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin và truyền thông trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của ngành, doanh nghiệp; tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng thiết bị thông tin và truyền thông; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, ứng dụng và đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm tổng đài, thiết bị đầu cuối đạt tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện đến nay đã nhận được những kết quả to lớn.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng mới 21 Tiêu chuẩn quốc gia đảm bảo đồng bộ các tiêu chuẩn Việt Nam cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của nền kinh tế, của hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chuyên ngành Thông tin và Truyền thông hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.

Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức thử nghiệm phục vụ đánh giá sự phù hợp đối với các sản phẩm hàng hóa trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Đào tạo 150 lượt cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông  về hoạt động tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Nghiên cứu 7 sản phẩm và giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật - đổi mới công nghệ trong các hoạt động quản lý, phát triển công nghệ phát thanh truyền hình và đảm bảo an toàn thông tin.

Xây dựng tài liệu và thực hiện tuyên truyền về nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức hội thảo về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát hành 3 tạp chí chuyên đề về năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và đăng tải 60 bài viết về năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa chuyên ngành trên trang thông tin điện tử.

Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn, đào tạo đã cung cấp thông tin hữu ích, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, cách thức tiếp cận với các phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến, nâng cao kỹ năng để triển khai các hoạt động quản lý chất lượng theo hướng hội nhập. Từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ tư vấn về năng suất chất lượng, nguồn nhân lực bảo đảm cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp, ngành kinh tế và nền kinh tế (đã xây dựng được khoảng 30 chương trình với hơn 40 bộ tài liệu đào tạo các kiến thức cơ bản về NSCL; các kiến thức chuyên sâu về các hệ thống, công cụ cải tiến; tổ chức hơn 200 khóa đào tạo tập trung, đào tạo qua mạng cho khoảng trên 20.000 học viên).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hỗ trợ cho hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến, nâng cao như: Lean, TPM, KPIs, MFCA, LSS. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp đã đưa vào áp dụng nhiều công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, coi đó là hoạt động không thể thiếu trong doanh nghiệp. Các hoạt động quản lý chất lượng, cải tiến chất lượng, tiêu chuẩn hoá và ứng dụng các tiêu chuẩn ngày càng được áp dụng hiệu quả và nhân rộng.

Nhiều ứng dụng đã đi vào thực tiễn. Chẳng hạn, trong chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã kết tinh nhiều chương trình lớn của ngành Thông tin và Truyền thông như: Make in Vietnam; Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Xây dựng hạ tầng số quốc gia; Phát triển hạ tầng bưu chính chuyển phát; Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam; Chuyển đổi số Quốc gia bao gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; Báo chí truyền thông với sứ mệnh khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng; Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối một cửa cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Hay trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ, từ lâu, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp đã chứng tỏ khả năng làm tăng năng suất, chất lượng của cây trồng và tiết giảm chi phí đầu tư so với phương thức truyền thống cũ. Một trong những minh chứng tiêu biểu của việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là khu nhà màng trồng dưa lưới rộng hơn 1.000m2 tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của công ty Global CyberSoft (GCS).

Ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc công ty Global CyberSoft (GCS) cho biết, khu trồng dưa lưới lúc nào quả cũng sai lúc lỉu với chất lượng quả vượt trội được chăm sóc hoàn toàn bằng công nghệ tự động, ứng dụng công nghệ thông tin và hạn chế tối đa nhân công. Đặc biệt, số dưa lưới này được trồng bằng hệ thống quản lý nông nghiệp công nghệ cao (Smart Agri) do Khu công viên phần mềm Quang Trung phối hợp với GCS và Khu Nông nghiệp công nghệ cao thực hiện.

Không chỉ vậy, với việc áp dụng hệ thống quản lý bằng công nghệ thông tin, Smart Agri còn cho phép người dùng lập kế hoạch và tính toán chi phí, doanh thu trên từng mùa vụ một cách chính xác nhất. Đồng thời, thiết lập hệ sinh thái tương tác giữa nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và thu mua để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm... Được biết, Smart Agri là hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản mới được công ty đưa vào thử nghiệm cách đây không lâu.

Ngoài ra, Bộ thông tin và Truyền thông còn có nhiều ứng dụng thiết thực cho ngành xuất bản, cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị thông tin. Những kết quả, thành tựu này tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông duy trì, ứng dụng rộng rãi hơn nữa trong các ngành, lĩnh vực thông tin và truyền thông góp phần đẩy mạnh chất lượng sản phẩm, tạo đà cho các doanh nghiệp hội nhập 4.0.

Nam Dương

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ