ISO 3834 – Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa các doanh nghiệp cơ khí
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra những cơ hội lớn nhưng cũng mang đến sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt đến các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Bộ tiêu chuẩn ISO 3834 được xây dựng nhằm để kiểm soát chất lượng và phòng ngừa sai hỏng, giúp các doanh nghiệp cơ khí kiểm soát tốt và nâng cao chất lượng sản phẩm của chính doanh nghiệp mình.
Áp dụng tiêu chuẩn ISO 3834 giúp các doanh nghiệp cơ khí nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra.
Ngành Cơ khí ở nước ta đóng vai trò rất quan trọng, là nền tảng và động lực cho các ngành khác phát triển. Ngành cơ khí có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ trang thiết bị cho các ngành xi măng, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, chế tạo thiết bị điện, đóng tàu và trang thiết bị an ninh quốc phòng, cũng như đóng vai trò là ngành công nghiệp “xương sống” của nền sản xuất xã hội, cung cấp thiết bị, máy công cụ, máy động lực… cho tất cả các ngành kinh tế, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Song các doanh nghiệp cơ khí chế tạo đang gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ nhập siêu vẫn cao hơn xuất khẩu; chất lượng sản phẩm cơ khí còn nhiều hạn chế; doanh nghiệp chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án lớn; năng lực, quản trị doanh nghiệp và sự phối hợp, liên kết còn kém hiệu quả.
Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ sức cạnh tranh giữ thị trường nội địa và mở rộng được xuất khẩu. Vì vậy các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm ra các chiến lược riêng cho mình nếu không muốn bị loại khỏi thương trường. Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo thế đứng cho doanh nghiệp mình đang ngày càng trở nên gay gắt, khốc liệt.
Để có thể đứng vững trong môi trường đó, doanh nghiệp cần phải tạo ra được những ưu thế riêng có của mình như: Chất lượng sản phẩm, giá cả, mẫu mã, tính hiện đại tiện dụng. Để hình thành nên một sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chuẩn bị sản xuất, nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất rồi tiêu thụ sản phẩm. Mỗi giai đoạn đều có chức năng và nhiệm vụ nhất định và đều rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Để hoạt động kinh doanh một cách có hiệu quả, doanh nghiệp cần phải làm tốt các công tác trên.
Chất lượng sản phẩm, dịch vụ luôn là một lợi thế cạnh tranh. Việc tuân thủ những tiêu chuẩn bắt buộc và những quy dịnh, quy phạm kỹ thuật đối với sản phẩm cũng là một lợi thế cho khả năng tồn tại trong nền kinh tế được toàn cầu hóa, thương mại tự do, nhất là khi không còn được Nhà nước bảo hộ, sản phẩm, hàng hóa sản xuất ra phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nhập khẩu ngay trên thị trường nội địa.
Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTG, ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”; đồng thời nhiều hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NSCL thích hợp (HTQL/MH/CC) đã được triển khai, áp dụng thành công vào doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong số đó là Tiêu chuẩn ISO 3834 “yêu cầu chất lượng đối với hàn nóng chảy kim loại” và các Tiêu chuẩn khác có liên quan là một yêu cầu bắt buộc và được áp dụng rộng rãi cho các doanh nghiệp sản xuất cơ khí, chế tạo thiết bị nhằm để kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn, giảm thiểu chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
ISO 3834 là một bộ tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng bởi các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật hàn. ISO 3834 thường được sử dụng như những yêu cầu của sản phẩm, được sản xuất chủ yếu bằng phương pháp hàn nhằm để kiểm soát chất lượng và phòng ngừa sai hỏng. Các quá trình hàn có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm và an toàn cho người và công trình. Vì vậy phải đảm bảo rằng các quá trình này được thực hiện một cách có hiệu quả và tất cả các công đoạn được kiểm soát một cách thích đáng... Đó là lí do vì sao những doanh nghiệp được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 3834 sẽ có nhiều lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường.
Một trong những yếu tố quan trọng của tiêu chuẩn ISO 3834 là yêu cầu đội ngũ nhân sự hàn, nhân sự kiểm tra chất lượng hàn (kiểm tra không phá hủy) phải có đủ trình độ theo tiêu chuẩn được đánh giá và chứng nhận năng lực (personnel qualification/certification) của đơn vị đánh giá độc lập. Trong những năm qua, do yêu cầu của các nhà thầu có yếu tố nước ngoài, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam đã áp dụng một vài yêu cầu quy định trong ISO 3834 (ví dụ: phê duyệt quy trình hàn, phê duyệt tay nghề thợ hàn, phê duyệt nhân sự kiểm tra không phá hủy,...), nhưng chưa đầy đủ, toàn diện và có hệ thống.
Ngoài ra, tiêu chuẩn ISO 3834 có thể áp dụng độc lập nếu doanh nghiệp cơ khí chế tạo có khối lượng công việc liên quan đến hàn chiếm phần lớn, tuy nhiên, ở nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo, còn có nhiều công đoạn khác trong quá trình tạo sản phẩm thì việc áp dụng độc lập tiêu chuẩn ISO 3834 sẽ là chưa đầy đủ.
Ngoài ra, việc áp dụng ISO 3834 có thể cung cấp một hành lang để đạt được sự chứng nhận toàn cầu về năng lực của doanh nghiệp cơ khí chế tạo có sử dụng hàn trong quá trình tạo sản phẩm. Đây cũng là một bộ tiêu chuẩn quốc tế quy định yêu cầu cho một Hệ thống quản lý chất lượng, được xây dựng bởi các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật hàn nhằm để kiểm soát chất lượng và phòng ngừa sản phẩm sai hỏng.
Sớm nắm bắt xu thế, Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt – Đức là một trong những doanh nghiệp đi đầu đã triển khai thực hiện nhiệm vụ: Thúc đẩy áp dụng tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật đối với chất lượng sản phẩm hàn ISO 3834 cho các doanh nghiệp cơ khí ché tạo năm 2018” trong việc hỗ trợ đào tạo, tư vấn xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 3834 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo có sử dụng hàn nóng chảy kim loại trong quá trình tạo sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn sản phẩm của doanh nghiệp.
Cụ thể, trung tâm đã thực hiện nhiệm vụ đã tiến hành đào tạo, tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn ISO 3834 tại 10 doanh nghiệp được chọn lựa theo các cấp độ.
Kết quả mà nhiệm vụ đem lại là phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật đối với chất lượng sản phẩm hàn ISO 3834 cho 300 doanh nghiệp cơ khí; Tổ chức khóa đào tạo chuyên gia tư vấn triển khai áp dụng ISO 3834 vào doanh nghiệp; Nhiệm vụ đã sử dụng phương pháp chuyên gia để đánh giá kiểm chứng hiệu quả sau khi triển khai áp dụng HTQLCL. Qua kiểm chứng, theo báo cáo tại hiện trường, các doanh nghiệp đều đang duy trì hiệu quả HTQLCL, có các cải tiến, khắc phục và qua đây cũng khẳng định: Nếu HTQLCL được xây dựng bài bản, có chất lượng và phù hợp thì rất hiệu quả.
Về năng suất lao động, tất cả các doanh nghiệp tham gia dự án của nhệm vụ đều thấy được sự tăng năng suất lao động. Tỷ lệ sản phẩm sai hỏng phải sửa chữa lại và sự phản hồi của khách hàng tuy chưa thể thống kê được đầy đủ nhưng theo báo cáo từng doanh nghiệp chỉ tiêu này đều được giảm thiểu, nhất là ở ngoài hiện trường thi công.
Để có kết quả áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO 3834, thời gian tới, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp tham gia dự án để các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì áp dụng và cải tiến HTQL chất lượng tích hợp. Có như thế mới nâng cao hiệu quả kinh tế và xã hội của dự án. Cần xây dựng tài liệu về nội dung và hướng dẫn áp dụng ISO 3834 cho doanh nghiệp.
Bảo Linh