Hàng giả gây ảnh hưởng ra sao đến các nhãn hàng cao cấp trên thế giới?
Tình trạng hàng giả xuất hiện ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhãn hàng cao cấp trên thế giới (điển hình là Louis Vuitton và Hermès Birkin).
Túi xách, ví giả với giá trị thị trường ước tính hơn 11 triệu USD. Ảnh: Sam Tsang
Theo thông tin trên tờ South China Morning Post, hàng giả luôn tồn tại một cách song song với hàng thật. Mặc dù trên thế giới, rất nhiều hàng giả đã bị bắt giữ, xử lý nhưng tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp. Hàng giả gây ảnh hưởng không chỉ đến các nhãn hàng nhỏ mà còn làm giảm uy tín, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhãn hàng cao cấp trên thế giới.
Điều nguy hiểm hơn là hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng thật. "Không ít thương hiệu xa xỉ đã trở thành nạn nhân của các kế hoạch lừa đảo, khi nhiều vị khách đến cửa hàng với một chiếc túi trong tay và yêu cầu được trả hàng, hoàn tiền. Tuy nhiên, đó là túi giả, gần như giống hệt với bản gốc, đến nỗi ngay cả nhân viên cửa hàng cũng không thể phân biệt được chúng", tờ South China Morning Post lấy dẫn chứng.
Cũng theo tờ báo này, mặc dù một số nhãn hàng (điển hình là Louis Vuitton) đã có nhiều biện pháp mạnh tay với hàng giả như sử dụng các công nghệ, dịch vụ xác thực nguồn gốc hàng dựa trên nền tảng blockchain nhưng hoạt động này vẫn còn khá hạn chế. Do đó, tình trạng hàng giả cũng vì thế mà vẫn còn tồn tại. Không chỉ Louis Vuitton, Hermès Birkin cũng là nhãn hàng bị làm giả nhiều sản phẩm.
Irene Woerner, Giám đốc điều hành của EmTruth, Công ty tiên phong về giải pháp blockchain cho biết, việc sử dụng các giải pháp xác thực dựa trên công nghệ (xác thực thật giả) trong ngành công nghiệp xa xỉ (ý nói các nhãn hàng cao cấp) đang đi sau các lĩnh vực khác. Kết quả của việc này là giá trị thương hiệu của các nhãn hàng cao cấp bi suy giảm do hàng giả xuất hiện nhiều trên thị trường thương mại điện tử và thông qua hình thức mua bán lại sản phẩm.
Theo phân tích của chuyên gia, trong không gian kỹ thuật số, nhiều cửa hàng bán đồ giả sử dụng hình ảnh gốc và mô tả sản phẩm của các thương hiệu thật. Nhiều khách hàng bình thường hầu như không thể phân biệt được chúng với những cửa hàng hợp pháp. Thông thường, những cửa hàng này đưa ra "chiết khấu" mạnh cho hàng hóa giả hoàn toàn kém chất lượng.
Sau khi phát hiện mua phải hàng giả, khách hàng quy kết thương hiệu bán hàng kém chất lượng. Điều này thường dẫn đến đánh giá xấu trên các trang web của bên thứ ba, cuối cùng là tổn hại đến danh tiếng thương hiệu.
Tờ South China Morning Post cho biết, thời gian gần đây, vấn đề hàng giả đang được ngành công nghiệp xa xỉ (các nhãn hàng cao cấp) tìm cách giải quyết triệt để. LVMH, Công ty mẹ của Louis Vuitton đang hợp tác với Entrupy (một công ty khởi nghiệp) để phát triển một giải pháp cầm tay dựa trên trí tuệ nhân tạo có thể phát hiện hàng giả với độ chính xác trên 99%.
Tuy nhiên, những nỗ lực ngăn hàng giả này còn cần sự kết hợp của tất cả khía cạnh trong chuỗi cung ứng, từ nguyên vật liệu đến giao hàng, để đảm bảo sản phẩm chính hãng. Thách thức thực sự chính là trong thị trường bán lại (bán sản phẩm qua một bên thứ ba), vốn khó kiểm soát hơn nhiều.
"Trong một thế giới được định hướng bởi mạng xã hội, danh tiếng thương hiệu có thể bị phá hủy nhanh hơn bao giờ hết trong lịch sử. Do đó, việc tạo dựng và duy trì lòng tin của người tiêu dùng sẽ trở nên quan trọng hơn rất nhiều trong tương lai", tờ South China Morning Post nhận định.
Bảo Linh