SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng: Hội nhập và khẳng định vị thế

[27/11/2020 14:19]

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, năng suất chất lượng ngày càng đóng vai trò quan trọng và được coi là một trong ba trụ cột của mô hình tăng trưởng kinh tế mới của Việt Nam. Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này những năm gần đây cũng đã có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và TS. Achmad Kurnia Prawira Mochtan - Tổng Thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) 

Dần khẳng định vai trò trong Tổ chức Năng suất châu Á (APO)

Dấu mốc đầu tiên mở đầu hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng suất chính là việc Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) năm 1996. Là tổ chức liên chính phủ, phi lợi nhuận duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chuyên về năng suất, APO hỗ trợ các nền kinh tế thành viên phát triển kinh tế xã hội bền vững thông qua nâng cao năng suất bằng các chương trình, dự án tăng cường năng lực, nghiên cứu, tư vấn chính sách.

Với số lượng thành viên đông đảo gồm 21 nền kinh tế, Việt Nam là thành viên gia nhập khá muộn (là thành viên thứ 19/21) với đại diện thường trực là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL).

Quá trình tham gia trong APO đánh dấu sự từng bước trưởng thành của Tổ chức Năng suất quốc gia của Việt Nam - Viện Năng suất Việt Nam từ một Trung tâm Năng suất trở thành Viện nghiên cứu, tư vấn về năng suất vững mạnh trực thuộc Tổng cục TCĐLCL.

Qua thời gian hoạt động, Việt Nam đã dần khẳng định vai trò của mình trong APO và đã chuyển dần từ vai trò tham gia sang vai trò dẫn dắt trong một số lĩnh vực đặc biệt như sản xuất thông minh, năng suất xanh, chứng nhận chuyên gia năng suất và đổi mới sáng tạo. Một số các chương trình, dự án APO do Tổng cục TCĐLCL triển khai thực hiện ở Việt Nam đã được xem là hình mẫu trong APO như: “Dự án Năng suất xanh tại cộng đồng” được triển khai tại hơn 80 làng thuộc 21 tỉnh/thành trong cả nước; “Dự án áp dụng hệ thống quản lý quan hệ khách hàng - CRM trong các doanh nghiệp dịch vụ; Hội chợ triển lãm quốc tế về sản phẩm sinh thái - EPIF 2008 thu hút gần 100.000 khách tham quan…

Bên cạnh đó, hàng năm, Tổng cục TCĐLCL cũng cử hàng trăm cán bộ của các cơ quan quản lý, các ngành kinh tế và tổ chức, doanh nghiệp tham dự các chương trình, dự án của APO ở trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực, giới thiệu và hỗ trợ áp dụng các công cụ, giải pháp năng suất trong phát triển kinh tế một cách bền vững.

 Với việc thông qua và triển khai Chiến lược và Tầm nhìn mới đến năm 2025, hướng tới việc thúc đẩy tăng cường năng suất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương một cách bao trùm và dựa trên hoạt động đổi mới sáng tạo, giúp phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững và hơn hết là khắc phục và phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Các định hướng của APO sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam cũng như các nền kinh tế thành viên. Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình trong APO và tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là một trong những thành viên đi đầu trong việc triển khai các chương trình tư vấn, đánh giá về năng suất, chứng nhận năng suất, xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể về năng suất, xây dựng trung tâm xuất sắc về phát triển năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo trong APO, mở rộng và kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế khác để xây dựng mạng lưới chuyên gia trong lĩnh vực năng suất trên tinh thần hợp tác cùng phát triển vì lợi ích chung.

 (TS. Hà Minh Hiệp - Chủ tịch APO, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL)

Các hoạt động này đã góp phần vào thành công chung của quốc gia như: Mục tiêu tăng năng suất lao động 5,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020; Tăng trưởng GDP hơn 6%/năm; Xây dựng phong trào năng suất và chất lượng tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước; 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng; Nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên ít nhất 35% vào năm 2020 (theo Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”); và để thực hiện các vấn đề mới, quan trọng của đất nước như: chương trình chuẩn đối sánh, sản xuất thông minh, đô thị thông minh, truy xuất nguồn gốc…

Đặc biệt hơn nữa, trong hai năm gần đây, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế thành viên được lựa chọn tham gia sâu vào các nghiên cứu mang tính chiến lược của APO như tham gia Ban chỉ đạo và nhóm chuyên gia kỹ thuật xây dựng tầm nhìn và chiến lược mới đến năm 2025 của APO, chương trình xây dựng quy trình chuẩn trong công nhận và chứng nhận lĩnh vực năng suất của APO, nghiên cứu đánh giá thực trạng và nhu cầu về sản xuất thông minh cho các nền kinh tế thành viên, nghiên cứu xây dựng sách dữ liệu về năng suất, nghiên cứu về chuyển đổi nông nghiệp thông minh…

Việc tham gia đầy đủ và có hiệu quả vào các chương trình, dự án của APO đã giúp Việt Nam nói chung, Tổ chức Năng suất quốc gia nói riêng tăng cường năng lực chuyên gia lĩnh vực năng suất chất lượng, nhất là năng lực tiếp cận với các công cụ, giải pháp mới nâng cao năng suất chất lượng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và nâng cao vai trò của Tổ chức Năng suất quốc gia trong APO; nghiên cứu để xây dựng các cơ sở pháp lý cho hoạt động năng suất chất lượng và hoạt động APO tại Việt Nam.

Việt Nam đảm nhận vai trò “lĩnh xướng” của APO

Có thể nói vai trò và hình ảnh của Việt Nam đã được tăng cường đáng kể và ghi nhận trong APO. Việt Nam đã liên tiếp được lựa chọn là điểm đến ưu tiên số 1 của các nhiệm kỳ Tổng thư ký APO gần đây. Qua các chuyến thăm, các Tổng thư ký đều đánh giá rất cao nỗ lực và đóng góp của Việt Nam trong APO và khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam trong cải thiện và tăng cường năng suất một cách mạnh mẽ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tạo động lực cho phát triển năng suất và mong muốn mở rộng phạm vi ứng dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực: nông nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, hài hòa các tiêu chuẩn...

Cam kết của các Tổng thư ký đều được hiện thực hóa trong việc hỗ trợ Việt Nam triển khai xây dựng Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo. Đây được xem là bản kế hoạch tổng thể đầu tiên về năng suất hướng tới phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, giúp tăng trưởng kinh tế một cách hiệu quả thông qua cải thiện năng suất. Bên cạnh đó, APO đã chọn Việt Nam là một trong 3 nền kinh tế thành viên đầu tiên (cùng với Malaysia và Indonesia) để xây dựng tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất.

 TS. Hà Minh Hiệp - Chủ tịch APO, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Ngoài ra, APO bày tỏ sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm xuất sắc (COE) về đổi mới sáng tạo thúc đẩy năng suất. Khi được công nhận, đây sẽ là COE thứ 6 của APO, đóng vai trò như một nơi kết nối chuyên gia và nơi sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, tư vấn đánh giá trong lĩnh vực thế mạnh cho các nền kinh tế thành viên của APO.

Vai trò và vị thế của Việt Nam trong APO một lần nữa được khẳng định khi tại Nhiệm kỳ 2020- 2021, Việt Nam đã chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch APO. Đây là lần thứ hai sau 24 năm gia nhập, Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng này. Việc đảm nhận vai trò này diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng vì trong năm nay APO sẽ thông qua tầm nhìn và chiến lược mới, thực hiện nhiều cải cách quan trọng về cơ cấu tổ chức, nhân sự, chính sách để phù hợp với tình hình mới và đặc biệt là để khắc phục các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam mang trên mình một sứ mệnh hoàn toàn mới có tính lịch sử khi vừa dẫn dắt, điều phối các hoạt động của các nền kinh tế thành viên cùng đoàn kết vượt qua các khó khăn của đại dịch, vừa phát triển theo tầm nhìn và chiến lược mới.

Phan Thanh Sơn

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ