Hệ lụy từ kính râm kém chất lượng nhiều người vẫn vô tư dùng
Kính râm hay kính thời trang là sản phẩm cần thiết mỗi khi đi ra đường nhằm tránh bụi, tránh nắng. Tuy nhiên hiện nay sản phẩm này lại được làm nhái, làm giả khá nhiều.
Kính râm kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn
Kính râm với công dụng chủ yếu là giúp mắt đỡ chói, bảo vệ võng mạc và thủy tinh thể khỏi tia UV khi hoạt động dưới trời nắng gay gắt... do đó, kính râm trở thành sản phẩm khá phổ biến mỗi khi ra đường. Tuy nhiên hiện nay theo ghi nhận trên thị trường, kính râm giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng đang được bán tràn lan, thậm chí không ít vụ lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ lượng lớn kính râm nhập lậu.
Vấn nạn buôn lậu kính giả nhãn hiệu
Mới đây, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình kiểm soát, lực lượng QLTT và Công an Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xe ô tô tải BKS 12C-067.26 có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Nguyễn Quang Tuấn trú tại TP Lạng Sơn không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hay giấy tờ liên quan đến hàng hóa đang vận chuyển trên xe. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện số hàng hóa trên xe gồm 5.760 chiếc kính mắt thời trang làm bằng nhựa gắn nhãn hiệu GUCCI.
Nhận định đây là hàng hóa có dấu hiệu giả nhãn hiệu Gucci nên lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa và phương tiện để xác minh và xử lý theo quy định.
Tương tự, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu - Công an tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra cửa hàng Kính thuốc Đức Nam do bà Ngô Thị Lan làm chủ (địa chỉ: số 88, đường Vân Giang, phường Vân Giang, TP. Ninh Bình).
Qua kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 172 chiếc kính mắt các loại gồm: 48 chiếc nhãn hiệu Chanel, 44 chiếc nhãn hiệu Gucci, 39 chiếc nhãn hiệu Lacoste, 22 chiếc nhãn hiệu Dior, 9 chiếc nhãn hiệu Cartier, 10 chiếc nhãn hiệu BLVGARI có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đoàn Kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên, đồng thời thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác minh các tình tiết của vụ việc theo quy định của pháp luật.
Sau khi xác định hành vi vi phạm, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Ngô Thị Lan do đã có hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, phạt tiền 70 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm của Cửa hàng kính thuốc Đức Nam trong 02 tháng đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nêu trên.
Tiếp đến, Đội QLTT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với lực lượng chức năng dừng kiểm tra xe ô tô khách BKS 20B-01177 phát hiện trên xe do ông Dương Kông Quân điều khiển, vận chuyển 500 chiếc kính mắt nhãn hiệu Chanel có dấu hiệu giả mạo. Trị giá kính mắt ước khoảng 100 triệu đồng, cùng nhiều hàng hóa khác.
Vẫn sống khỏe nhờ... nắng, bụi
Theo ghi nhận của Tổng cục QLTT, nhiều năm trở lại đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển kính râm hay kính thời trang ngày càng gia tăng. Trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội, TP.HCM người ta dễ dàng bắt gặp các cửa hiệu, sạp kinh doanh kính thuốc, kính thời trang, thậm chí bày luôn ngoài vỉa hè. Sở dĩ các sạp kính này vẫn tồn tại được là bởi thay vì phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng cho một cặp kính chất lượng, rất nhiều người dân có thói quen mua kính gắn mác của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới từ Gucci, Chanel đến Dior, Rayban... chỉ có giá từ vài chục ngàn đồng. Họ quan niệm sử dụng kính như thế cho tiết kiệm nếu hỏng thì mua kính mới.
Đáng lo ngại, không chỉ có kính thời trang, kính mát mà nhiều loại kính thuốc hiện cũng được bán tràn lan trên thị trường. Các cửa hàng thường giới thiệu rằng mắt kính, gọng nhập khẩu từ các nước như: Italia, Mỹ, Đức, Hàn Quốc... với giá từ 150.000 đồng đến vài triệu đồng, nhưng hầu hết đều không có tem nhập khẩu và phân phối sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh thường đeo kính râm cho con khi đi ra đường để tránh khói bụi và chói nắng, tuy nhiên đây cũng là hành động vô tình làm tổn thương đến mắt của con mình, bởi mắt trẻ chưa phát triển hoàn thiện, những loại kính như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp và hậu quả nặng nề hơn.
Một số trường hợp khác sau khi sử dụng kính kém chất lượng thường xuyên trong những ngày nắng gắt, đều thấy mắt có biểu hiện khác thường như nhức mỏi, ngứa và đỏ mắt, đồng thời thị lực cũng có vẻ kém đi.
Thông tin về tác hại của kính râm kém chất lượng, các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt TW cho biết, kính râm kém chất lượng thực ra đang hại đôi mắt bởi khi môi trường xung quanh trở nên tối đi (như đi vào phòng tắt đèn, hoặc đeo kính râm), con ngươi trong mắt sẽ mở rộng ra để thu vào nhiều ánh sáng hơn. Các cặp kính râm đó không chặn được tia cực tím, vì vậy mà mắt phải thu vào nhiều tia cực tím hơn. Khi mua kính người tiêu dùng nên đến những nơi tin cậy để đo khám và lắp ráp kính. Đồng thời nên yêu cầu đo mức độ chống tia UV của kính bằng máy truyền quang phổ.
Ngoài ra, khi sử dụng những loại kính thời trang chỉ có cảm giác “râm giả tạo” gây nên tình trạng thoái hóa võng mạc có thể dẫn đến mù lòa. Những loại mắt kính kém chất lượng, có độ cong của mắt kính không đều nên khi người dùng đeo loại kính này vào sẽ bị méo, ảnh hưởng võng mạc, nếu đeo một thời gian dài mắt sẽ tự điều chỉnh theo độ nghiêng méo của mắt kính, và cứ thế hình ảnh nhận biết sẽ bị biến dạng.
Do đó, theo các bác sĩ, vì kính liên quan trực tiếp tới đôi mắt, người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn mặt hàng này. Đặc biệt cần loại bỏ tâm lý ham rẻ để mua kính “thương hiệu” vỉa hè, kính không rõ nguồn gốc. Những tổn hại cho mắt đắt giá hơn gấp nhiều lần giá trị của một cặp kính chất lượng.
An Dương