Đổi mới phương thức quản lý chất lượng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế
Việt Nam đã ký kết và từng bước thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều cơ hội, thách thức mới. Để giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản khi tham gia vào các FTA, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế và tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, Việt Nam đã tham gia sâu vào nền kinh tế toàn cầu với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Ông nhận định như thế nào về cơ hội và thách thức của DN Việt Nam trong bối cảnh này?
Việc tham gia ký kết các FTA đã nâng cao đáng kể năng lực và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các FTA đã tạo ra động lực và sức ép mới để Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Môi trường pháp lý, chính sách kinh tế, cơ chế quản lý trong nước theo đó cũng dần được hoàn thiện, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.
Các cơ hội mà chúng ta có được đó chính là thuế suất giảm, minh bạch hóa về mặt chính sách, cơ hội liên quan tới cam kết về các biện pháp hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)… mà cụ thể là đảm bảo không phát sinh những rào cản không cần thiết cho thương mại của hai hay các bên, gây cản trở thương mại và tổn thất cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Về thách thức, doanh nghiệp VN sẽ phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn từ việc thuế suất giảm, hàng hóa nhập khẩu với chất lượng tốt tràn ngập trên thị trường.
Theo thống kê của Uỷ ban TBT trong năm 2019 có tới gần 3.000 biện pháp TBT được các nước thành viên WTO thông báo dự kiến sẽ ban hành và áp dụng và con số này tăng đều qua các năm, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với sản phẩm, hàng hóa trước khi vào thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của hầu hết các nước đối tác FTAs của Việt Nam đã có thói quen tham gia sâu vào quá trình xây dựng chính sách về TBT trong nước và quốc tế.
Họ thường phản ứng ngay nếu nhận thấy một chính sách TBT mà nước khác xây dựng có khả năng cản trở thương mại, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu, như vậy họ sẽ tận dụng quyền lợi TBT tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam.
Thời gian tới, Tổng cục sẽ tăng cường các hoạt động giúp cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hơn quyền lợi của mình trong các cam kết TBT FTAs để tận dụng cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như các cơ chế tham vấn khi gặp các vướng mắc về TBT.
Chỉ khi doanh nghiệp hiểu được quyền lợi của mình và sử dụng được các quyền lợi đó, cam kết TBT trong các FTAs mới thực sự đi vào đời sống và thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
Các FTA tạo cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ nhưng cũng khiến hàng hóa Việt Nam đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt trong vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc… Theo ông cần có những giải pháp gì để doanh nghiệp có thể vượt qua các rào cản này?
Ký kết các FTA, Việt Nam đã chuẩn bị những năng lực cần thiết để tham gia vào sân chơi nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức này. Cụ thể, thực hiện rà soát, cải cách hành chính, cải thiện môi trường pháp lý và kinh doanh; tạo sân chơi bình đẳng minh bạch giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân; cơ quan quản lý nhà nước đã cắt giảm các thủ tục hành chính trong kinh doanh; thực hiện xã hội hóa các hoạt động dịch vụ tư vấn, đánh giá sự phù hợp.
Đáng chú ý, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam không ngừng được nâng cao; Hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia đã phủ hầu hết các sản phẩm hàng hóa củaViệt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã có gần 13.000 TCVN, đạt tỷ lệ gần 60% hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn quốc gia có khoảng 800 QCVN dần hoàn thiện, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi về hành lang kỹ thuật để hàng Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, để tạo một hành lang “thông thoáng” giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng vượt ra các rào cản từ FTA cần một số giải pháp như: Đồng bộ về chính sách; tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa tiêu chuẩn quốc tế; Đổi mới cách thức triển khai thực hiện xã hội hóa công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn; Chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực thi các hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn kỹ thuật...
Vậy, Tổng cục TCĐLCL đã có những đóng góp cụ thể như thế nào trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia các Hiệp định này, thưa ông?
Tổng cục TCĐLCL thời gian qua đã tham gia triển khai các hiệp định, cụ thể: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) đề cao vấn đề truy xuất nguồn gốc (TXNG) hàng hóa, do đó, để đảm bảo TXNG đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (MSMV) đã làm việc với cơ quan chức năng của Chính phủ Trung Quốc để ký hợp tác về TXNG, bước đầu thừa nhận lẫn nhau về TXNG, tiến tới thừa nhận kết quả chứng nhận chất lượng hàng hóa…
Còn đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lí của Việt Nam, được coi là “cánh cửa mở” cho xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường EU, nhưng điều đó chỉ thành hiện thực khi các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được hàng rào kỹ thuật của một trong những thị trường có tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất thế giới hiện nay. Việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ hay vượt qua được rào cản kỹ thuật, kiểm dịch động thực vật là các vấn đề đáng quan ngại đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay.
Về vấn đề này, Tổng cục TCĐLCL đã giao Trung tâm MSMV Quốc gia xây dựng TCVN 12850:2019 về yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG, đồng thời trình Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư quản lý về mã số mã vạch và TXNG. Trong năm 2020, Trung tâm MSMV Quốc gia tiếp tục xây dựng các TCVN về thể thức vật mang dữ liệu và các loại mã truy vết sử dụng trong TXNG để đáp ứng các quy tắc xuất xứ mà FTA này đặt ra.
Và để đảm bảo chất lượng hàng hóa và các yêu cầu truy xuất nguồn gốc cực kỳ khắt khe của Hàn Quốc, Trung tâm MSMV Quốc gia đã tiến hành liên lạc và kết nối thành công với KTR (Viện Nghiên cứu Thử nghiệm Hàn Quốc) về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, thừa nhận kết quả chứng nhận. Điều này đáp ứng yêu cầu tại Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) mà Việt Nam đã ký kết.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã đồng hành như thế nào với doanh nghiệp trong các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế?
Để đồng hành với doanh nghiệp trong các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian qua, Bộ KH&CN nói chung, Tổng cục TCĐLCL nói riêng đã thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển hoạt động chất lượng, quản lý nhà nước về chất lượng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động đánh giá sự phù hợp, quản lý chất lượng theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động chất lượng, đổi mới phương thức quản lý chất lượng theo hướng tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; bảo đảm quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trước nhà nước và người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp.
Trong đó, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu. Đồng thời, thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp để xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Với việc triển khai tích cực chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Bộ KH&CN đã triển khai áp dụng cơ chế “chuyển mạnh sang hậu kiểm” cùng với việc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu cũng giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, thời gian cho thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đến nay 06/07 dự án năng suất và chất lượng do các Bộ chủ trì và 57/63 dự án năng suất và chất lượng địa phương đã được phê duyệt và triển khai thực hiện. Thông qua hoạt động của Chương trình đã góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh...
Đặc biệt, Tổng cục TCĐLCL đã và đang triển khai các hoạt động về mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc, giúp doanh nghiệp minh bạch thông tin, tạo uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế của Việt Nam với quốc tế, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Đề án thực thi Hiệp định TBT. Qua đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn đo lường chất lượng từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT, đáp ứng các điều kiện về pháp lý cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO; thực thi các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định TBT của WTO; xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng đòi hỏi cấp bách của quản lý, giúp doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm có chất lượng, vượt qua được các rào cản kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của các thị trường này, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát hài hoà hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên làm cơ sở cho thuận lợi hoá thương mại, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới; chủ động tham gia vào các tổ chức, diễn đàn khu vực và thế giới, xúc tiến triển khai ký kết và tổ chức thực hiện các hiệp định, thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ ASEAN, APEC, MRA song phương giữa các nước, ưu tiên ký kết MRA với các nước có giá trị hàng hoá trao đổi thương mại lớn với nước ta cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận, sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thủy - Việt Hà