Áp dụng công cụ cải tiến Kaizen giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng
Nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm được coi là những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh của nền kinh tế thị trường.
Hiện nay, việc nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm được coi là những yếu tố then chốt quyết định đến sự phát triển bền vững của DN. Nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng, các DN triển khai hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Trong đó, mô hình Cải tiến liên tục để tốt hơn (Kaizen) được sử dụng rộng rãi và có hiệu quả cao đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).
Việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen ở Việt Nam trong thời gian qua mới chỉ được triển khai chủ yếu ở các DN có quy mô lớn tại khu vực thành thị. Các chương trình này chưa đến được với các DN có nhỏ, đặc biệt là các DN trong các làng nghề. Do đó, xây dựng một mô hình giúp các DNLN áp dụng Kaizen có ý nghĩa thực tiễn quan trọng.
Vừa qua, Trường Đại học Ngoại Thương được Viện Năng suất Chất lượng Việt Nam giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh”, trong khoảng thời gian từ tháng 01/2019 đến tháng 11/2020 với mục tiêu thúc đẩy áp dụng công cụ cải tiến Kaizen, hình thành văn hoá cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá góp phần phát triển bền vững làng nghề.
Đại diện Nhóm nghiên cứu Đại học Ngoại thương cho biết, quá trình tư vấn triển khai Kaizen được thực hiện từ tháng 8/2019 đến tháng 11/2020 tại 60 DNLN, bao gồm các làng: Làng nghề Cơ khí Rùa (Thanh Oai, Hà Nội), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (Thường Tín, Hà Nội), Làng nghề sản xuất khăn bông Phương La (Thái Bình), Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), Làng nghề dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm La Phù (Hoài Đức, Hà Nội).
Từ việc áp dụng Kaizen nhằm nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh đã đem đến những kết quả tích cực: Thay đổi nhận thức của chủ DN, hướng đến tư duy cải tiến liên tục và nhận thức được vai trò quan trọng của cải tiến liên tục với sự phát triển của DN; Tỷ lệ tăng năng suất tại đa số DN là từ 10% đến 20%, cá biệt có những DN đạt tỷ lệ tăng năng suất từ 50% đến 70%.
Lương của người lao động được điều chỉnh tăng trung bình khoảng 15%, cá biệt có những trường hợp sau khi chuyên môn hoá năng suất lao động tăng nhanh nên lương được tăng vượt đến 30% mức lương trước cải tiến; Tăng mức độ thể hiện trực quan công nghiệp cho các DNLN: từ tác phong làm việc công nghiệp của nhân công đến việc bài trí nhà máy, phân xưởng chuyên nghiệp có trực quan sinh động.
Trong đó, việc thực hành các công cụ cải tiến Kaizen bước đầu tại các doanh nghiệp làng nghề được thể hiện như: Ứng dụng 3S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ) trong việc sàng lọc, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, phân loại, bố trí nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm gọn gàng, khoa học, dễ tìm kiếm hơn đồng thời vệ sinh công nghiệp các phân xưởng, có quy định về vệ sinh thường xuyên trong khu vực công ty;
Ứng dụng hệ thống nhận diện lỗi/tổn thất và giảm thiểu lỗi/tổn thất trong sản xuất; Ứng dụng cân bằng chuyền và thay đổi mặt bằng sản xuất, bố trí lại sản xuất theo hướng khoa học hơn, hiệu quả hơn theo đúng dòng chảy nguyên vật liệu; Ứng dụng công cụ Quản lý chất lượng tổng thể (TQM – Total quality management) đối với các DN sử dụng nhiều máy móc nhằm đảm bảo duy trì chất lượng hoạt động của máy như công việc tiêu chuẩn cho nhân viên đứng máy, hình ảnh hướng dẫn trực quan và hệ thống tiếp nhận lỗi bán tự động...
Từ những thành quả trên, bước đầu cho thấy việc áp dụng thành công các công cụ cải tiến Kaizen đã giúp các DNLN giảm thiểu lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực sẵn có, tối ưu hóa chi phí sản xuất để từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, nhóm triển khai nhiệm vụ cũng đã góp phần tạo dựng văn hóa, lan tỏa Kaizen đến các DNLN để từ đó nhân rộng mô hình đến nhiều nơi.