Áp dụng quy chuẩn Việt Nam về môi trường: Vẫn còn nhiều khó khăn
Ông Trương Minh Tuấn, Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, hiện vẫn còn một số khó khăn trong quá trình áp dụng quy chuẩn Việt Nam về môi trường.
Ảnh minh họa
Phát biểu tại hội thảo "Góp ý dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường", Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, so với các nước trong khu vực ASEAN, yêu cầu về chất lượng môi trường của Việt Nam dường như còn thấp hơn, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn tiếp diễn, rất phức tạp, một số thông số cao.
Để đảm bảo việc quản lý chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập quốc tế, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tháng 11/2020 đã cụ thể hóa hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, nêu rõ nguyên tắc xây dựng, lộ trình áp dụng nhằm bảo đảm hệ thống này tương đồng với các nước phát triển, hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến. Trên thực tế, Tổng cục Môi trường cũng đã phối hợp với Bộ Môi trường Hàn Quốc đưa ra những quy chuẩn phù hợp với Việt Nam.
Tại Hội thảo, phía Bộ TN&MT cũng đưa ra 5 quy chuẩn về chất lượng môi trường gồm đất, nước (nước mặt, nước biển, nước ngầm) và môi trường xung quanh, 3 quy chuẩn thải gồm khí thải, nước thải công nghiệp và nước thải chăn nuôi. Quy chuẩn kỹ thuật về nước hướng tới quản lý theo chất lượng và phân vùng, thay vì trước đây là theo mục đích sử dụng. Các quy chuẩn kỹ thuật được đăng tải trên website của cơ quan quản lý nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến.
Theo ông Trương Minh Tuấn, Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), hiện vẫn còn một số khó khăn trong quá trình áp dụng quy chuẩn Việt Nam về môi trường như các địa phương mới chỉ kiểm soát chất lượng nước thông qua việc kiểm soát nguồn thải, chưa xác định được các thông số cơ bản và độc hại trong quan trắc chất lượng nước mặt…
Sau khi Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được thông qua, Tổng cục đã có tính toán, đưa các thông số để đánh giá phù hợp hơn như tổng phốt pho và fecal coliforms, cập nhật phương pháp phân tích, bổ sung các quy định về quản lý, các thông số hữu cơ trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các thông số về bụi sẽ được thắt chặt hơn từ năm 2023, thông số thủy ngân cũng sẽ được điều chỉnh hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người…
Còn theo Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật đúc và luyện kim Việt Nam Chu Đức Hải, hiện nay, qua khảo sát một số doanh nghiệp cho thấy, có doanh nghiệp bị bắt buộc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật 19 (phát thải khí công nghiệp), có nơi lại áp dụng quy chuẩn 51 (phát thải khí ngành thép) do nhập khẩu phế liệu để luyện các sản phẩm đúc gang thép. Bởi vậy, quy chuẩn kỹ thuật mới nên được thống nhất trên cả nước, thuận lợi cho các cơ sở sản xuất. Quy chuẩn mới nên đưa một loại là lò luyện kim để tránh phức tạp không cần thiết.
Cũng tại Hội thảo này, một số ý kiến cho rằng ban soạn thảo các quy chuẩn cần làm rõ cơ sở đưa ra các chỉ tiêu, không nên nêu ví dụ cụ thể trong quy chuẩn, nên đưa quy chuẩn về một số ngành lớn để dễ quản lý, dễ áp dụng; yêu cầu chặt chẽ hơn về chỉ tiêu môi trường sau khi đánh giá sức chịu tải của phát thải. Các chỉ tiêu về sức khỏe cần được chi tiết, trong đó phải liên kết với quy chuẩn về nước uống, cập nhật tên gọi một vài chỉ tiêu theo xu hướng quốc tế, nhất quán các chỉ tiêu chất lượng ở các nội dung về nước...
Bảo Lâm