Phát triển nông nghiệp hữu cơ phải gắn với tiêu chuẩn chất lượng
Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nếu như không gắn với các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ thực chất sẽ rất dễ dẫn đến khó kiểm soát chất lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của sản phẩm.
Nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao. Ảnh minh họa.
Việt Nam vốn là nước đi lên từ nông nghiệp, có lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội bởi vậy có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Chính phủ luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển nông nghiệp hữu cơ như một phần của nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường.
Thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước mới chỉ hình thành trong khoảng 10 năm trở lại đây và đang trên đà tăng trưởng. Nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao, quan tâm tới sức khỏe ở các thành phố lớn đối với nông sản, thực phẩm an toàn ngày càng tăng bước đầu đã tạo chỗ đứng cho một số sản phẩm hữu cơ như gạo, rau, củ quả… Một số nông sản hữu cơ được chứng nhận của Việt Nam đã có mặt trên 100 quốc gia khác nhau.
Theo GS. Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các số liệu thống kê về quy mô thị trường thực phẩm Việt Nam rất khác nhau khoảng trên dưới 200 triệu USD nhưng các đánh giá đều cho rằng tiềm năng của thị trường nội địa đối với sản phẩm hữu cơ rất lớn. Thu nhập của người Việt Nam đang tăng nhanh cùng với sự quan ngại về sức khỏe của bản thân và gia đình đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, tự nhiên.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ thế giới cũng tăng trưởng ổn định với quy mô thị trường ước tính hơn 80 tỷ USD/năm. Người tiêu dùng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU hiện rất ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ không chỉ vì tính ưu việt trong bảo vệ sức khỏe mà còn bởi đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sản lượng nông sản hữu cơ ở Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp và giá trị xuất khẩu nông sản.
Ông Sơn cho hay, với lợi thế về đặc thù tự nhiên và xã hội của Việt Nam, nếu có sự lựa chọn chính xác về chủng loại sản phẩm thích hợp cho từng thị trường xác định; trong đó, ưu tiên sản xuất các đặc sản bản địa gắn với điều kiện sinh thái của các vùng thì nông sản hữu cơ Việt Nam có rất nhiều cơ hội tham gia vào thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giá trị cao. Nhu cầu của thế giới về các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh sản xuất như: rau quả, chè, cà phê, thủy sản, mật ong đang tăng trưởng ngày càng cao chính là động lực và cơ hội để Việt Nam mở rộng sản xuất sản phẩm hữu cơ.
Đặc biệt, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, từ khi có Nghị định 109/2018/NĐ-CP năm 2018 về nông nghiệp hữu cơ thì tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ có xu hướng tăng vọt. Nếu như năm 2017 cả nước chỉ có khoảng 76.600 ha sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ thì đến nay diện tích đã lên đến 415.000 ha. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng rất đáng lo. Mừng vì đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và các cá nhân quan tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, một phần của nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Lo vì phát triển nóng có thể chỉ là phong trào nhất thời, không gắn với các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ thực chất dẫn đến khó kiểm soát chất lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của sản phẩm hữu cơ.
Mai Phương