Nông sản và thực phẩm xuất khẩu sang Israel cần những tiêu chuẩn gì?
“Sổ tay các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản và thực phẩm của Israel” nhằm cung cấp nội dung cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn mở rộng hợp tác kinh doanh với thị trường và các doanh nghiệp Israel.
Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa
Thương vụ Việt Nam tại Israel đã nghiên cứu, tổng hợp thông tin từ các nguồn liên quan tại thị trường sở tại và biên soạn cuốn “Sổ tay các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản và thực phẩm của Israel” nhằm cung cấp nội dung cho các doanh nghiệp Việt Nam có quan tâm, mở rộng hợp tác kinh doanh với thị trường và các doanh nghiệp Israel.
Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ, có nhu cầu nhập khẩu lớn các mặt hàng nông - thủy - hải sản và nhóm hàng lương thực thực phẩm, đồ khô chế biến sẵn của Việt Nam. Do trong nước sản xuất không đủ, hàng năm, Israel phải nhập khẩu với trị giá hơn 16,25 tỷ USD hàng tiêu dùng (số liệu mới nhất năm 2020), trong đó có nhóm hàng nông sản và thực phẩm các loại, từ các nước trên thế giới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp Israel đang quan tâm tới mở rộng hợp tác kinh doanh với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp quan trọng tại Châu Á, nhất là các nhóm hàng nêu trên.
Trong những năm gần đây, một số chính sách của Israel liên quan đến hoạt động ngoại thương và quản lý nhập khẩu nông sản, lương thực, thực phẩm đã có sự thay đổi. Israel đã giới thiệu một nhóm các quy định yêu cầu về nhãn mác đóng gói được thực hiện làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu đã có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/01/2020 và yêu cầu việc dán nhãn đóng gói đối với các sản phẩm thực phẩm trước khi đóng hộp có hàm lượng đường/chất béo hòa tan/sodium cao.Giai đoạn hai theo kế hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, trong đó ngưỡng giới hạn tối đa sẽ giảm xuống.
Hệ thống tiêu chuẩn hóa và bổ sung pháp luật về quản lý nông sản, lương thực, thực phẩm của Israel ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn của Châu Âu. Thương vụ Việt Nam tại Israel đã nghiên cứu, tổng hợp thông tin từ các nguồn liên quan tại thị trường sở tại (Cục Hải quan, Cơ quan Thuế, Bộ Tài chính Israel; Cục Quản lý thực phẩm quốc gia-FCS, Bộ Y tế Israel; Cục Thú y Israel-IVAHS, Cục Giám sát và bảo vệ thực vật-PPIS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Israel; Viện Tiêu chuẩn hóa Israel-SII; Bộ phận chuyên trách thị trường Israel, Cục Nông nghiệp nước ngoài, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) và biên soạn cuốn “Sổ tay các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản và thực phẩm của Israel” nhằm cung cấp nội dung cho các doanh nghiệp Việt Nam có quan tâm, mở rộng hợp tác kinh doanh với thị trường và các doanh nghiệp Israel. Sổ tay các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản và thực phẩm của Israel
Nội dung trong Sổ tay giới thiệu các yêu cầu cụ thể về quản lý nhập khẩu các sản phẩm nông sản và thực phẩm vào Israel. Trong quá trình biên soạn, do thời gian và nguồn thông tin còn hạn chế nên không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong nhận được thông tin góp ý mang tính xây dựng để tiếp tục cập nhật và hoàn thiện nội dung, phục vụ doanh nghiệp.
Thu Hà