91% bộ, ngành áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001
Việc áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã giúp đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết công việc; nhận thức của cán bộ, công chức cải thiện rõ rệt; tác phong làm việc nghiêm túc hơn và thái độ giao tiếp với người dân ân cần, cởi mở hơn,...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH
Ngày 9/4, Bộ KH&CN đã tổ chức hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Báo cáo của Bộ KH&CN cho biết, 91% (20/22) bộ, ngành đã thực hiện việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo quy định. Trong đó, tất cả các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng của các bộ, ngành đã xây dựng, công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 đối với toàn bộ thủ tục hành chính.
Không chỉ vậy, nhiều cơ quan, tổ chức dù thuộc đối tượng khuyến khích áp dụng của các bộ, ngành hay ở các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc triển khai hệ thống. Đến nay, 62/63 địa phương (tương đương 98,4%) đã triển khai hệ thống quản lý chất lượng tại các UBND cấp xã. Cụ thể, đã có 5.564/8.910 UBND cấp xã (62,5%) đã xây dựng, áp dụng, công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp TCVN ISO 9001 theo quy định.
Các bộ, ngành cũng đã công bố đầy đủ Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 cho các cơ quan, tổ chức theo hệ thống ngành dọc trực thuộc đóng tại địa phương như cơ quan hải quan, thuế, kho bạc nhà nước, dự trữ nhà nước thuộc Bộ Tài chính; Cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; cơ quan quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương,....
Những kết quả này đem lại tác động tích cực cả trong thái độ, tác phong của cán bộ, công chức cũng như quy trình thực hiện các thủ tục hành chính. Chẳng hạn, theo báo cáo, ISO 9001 yêu cầu các đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước khi giải quyết thủ tục cho người dân/tổ chức phải công khai các yêu cầu về hồ sơ, tài liệu mà người dân phải nộp; nêu rõ quy trình xử lý công việc; kết quả xử lý cuối cùng; và thời gian hoàn thành. Nhờ vậy, người dân không mất nhiều thời gian đi lại và các đơn vị hành chính cũng phải tìm ra biện pháp để cải cách thủ tục sao cho hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận định, sau hơn 7 năm triển khai, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 (sau này được nâng cấp thành TCVN ISO 9001:2015) đã khẳng định được vai trò là một công cụ quan trọng, “hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong việc chuẩn hóa các quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân công dân có liên quan, minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh”.
Để có thể áp dụng tốt hơn nữa hệ thống quản lý chất lượng trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đề nghị mở rộng việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng được khuyến khích như UBND cấp xã, các đơn vị sự nghiệp. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định (tối thiểu 1 lần/năm). Bên cạnh đó, cần gắn kết việc triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của các cơ quan quản lý với hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng,...
Ông cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tổ chức, phối hợp với một số UBND nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 (ISO 18091:2019) Hệ thống QLCL - Hướng dẫn áp dụng TCVN ISO 9001 tại chính quyền địa phương.
ISO 9001 (cách gọi tắt của ISO 9001:2015 – phiên bản mới nhất của tiêu chuẩn ISO 9001) là một tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế phát triển và ban hành vào ngày 24 tháng 9 năm 2015. Tiêu chuẩn này đưa ra những yêu cầu cơ bản tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các quy trình để các tổ chức có thể tham khảo trong việc thiết lập, áp dụng, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý chất lượng.
Mỹ Hạnh