Giải thưởng Chất lượng Quốc gia: Nâng tầm uy tín, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh, lợi ích lớn nhất mà doanh nghiệp tham gia GTCLQG có được chính là việc doanh nghiệp đạt giải khẳng định được uy tín, thương hiệu, hiệu quả sản xuất kinh doanh của mình.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh.
Trước thềm lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2020, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCLvề ý nghĩa của Giải thưởng và con đường chinh phục Giải thưởng này của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Những con số ấn tượng
Với 25 năm triển khai, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đã và đang ngày càng nâng cao vị thế, uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Thưa ông, ông có thể chia sẻ về kết quả hoạt động của GTCLQG trong năm 2019-2020?
Năm 2019 và 2020, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai hoạt động GTCLQG từ cấp Trung ương đến địa phương theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Cùng với đó, Tổng cục TCĐLCL đã thành lập Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng Quốc gia của các tỉnh/thành phố. Hoạt động này đã thu hút hàng ngàn doanh nghiệp đăng ký tham dự và đã có 116 doanh nghiệp đạt giải. Trong đó, có 40 doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng và 76 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Đặc biệt trong số những doanh nghiệp đạt Giải Vàng Chất lượng, có tới 13/19 doanh nghiệp sản xuất lớn khá tiêu biểu có thể kể đến như là: Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH, Công TNHH Netstle’ Việt Nam, Công ty Cổ phần ACECOOK Việt Nam, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức...
Trong 02 năm qua, mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn thu hút đa dạng các doanh nghiệp như doanh nghiệp sản xuất lớn, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, doanh nghiệp dịch vụ lớn, doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp tham dự GTCLQG đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, uớc tính doanh thu của các doanh nghiệp đạt giải là hơn 192 ngàn tỷ, ước tính lợi nhuận là hơn 17 ngàn tỷ; nộp ngân sách hơn 7 ngàn tỷ. Bên cạnh đó, đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 nghìn người lao động. Có thể thấy, đây là kết quả rất đáng tự hào của GTCLQG đem lại.
Một điểm nổi bật nữa là trong năm 2019 đã có tới 04 doanh nghiệp Việt Nam đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là năm có số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt giải thưởng này nhiều nhất trong 25 năm qua.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia là giải thưởng cao nhất trong hệ thống giải thưởng về chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, theo thường lệ được trao mỗi năm một lần. Vì sao ở lần trao giải này, Ban tổ chức lại quyết định trao gộp giải thưởng của năm 2019 và 2020?
GTCLQG là giải thưởng vô cùng danh giá, là giải thưởng cấp cao nhất do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao cho doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, nổi bật trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đây là giải thưởng có bề dày lịch sử 25 năm mà không giải thưởng nào có thể sánh bằng. Theo thường lệ, giải được tổ chức mỗi năm một lần, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác tổ chức cũng như tham dự giải thưởng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ.
Từ bối cảnh kinh tế - xã hội nói chung, tình hình triển khai của các Hội đồng sơ tuyển địa phương, doanh nghiệp tham dự GTCLQG năm 2019, 2020 nói riêng, để đảm bảo hiệu quả và an toàn của hoạt động GTCLQG, Tổng cục TCĐLCL đã đề xuất và được Lãnh đạo Bộ KH&CN cho phép thay đổi kế hoạch của hoạt động GTCLQG năm 2019 và năm 2020 và gộp 02 Lễ trao Giải năm 2019 và năm 2020 vào chung một Lễ trao Giải và sẽ tổ chức vào ngày 25/4/2021. Cho đến hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã quyết định cho phép tổ chức Lễ trao GTCLQG năm 2019, 2020.
Lan tỏa mạnh mẽ, tinh thần ý nghĩa Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Là đơn vị được Bộ KH&CN giao chủ trì, thực hiện triển khai Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, thời gian tới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ có những hoạt động, giải pháp nào để tiếp tục nâng cao chất lượng, tầm vóc, ý nghĩa cũng như lan tỏa, đưa Giải thưởng tới gần hơn nữa với các doanh nghiệp?
Với trách nhiệm của đơn vị được Bộ KH&CN giao chủ trì, thực hiện triển khai Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, thời gian tới, Tổng cục TCĐLCL sẽ triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục lan tỏa ý nghĩa của Giải thưởng đến với cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân cả nước.
Một là, Bộ KH&CN sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đưa các tiêu chí của GTCLQG vào áp dụng rộng rãi tại tất cả các doanh nghiệp thông qua chương trình năng suất chất lượng giai đoạn 2020-2030. Điều này đem lại lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp đạt giải mà còn là động lực để các doanh nghiệp chưa đạt giải phấn đấu, tự hoàn thiện mình.
Đối với các doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chí GTCLQG, dù chưa đạt giải nhưng bản thân doanh nghiệp cũng đã có cho mình một bộ tiêu chí, một bộ hướng dẫn từ đó dựa vào áp dụng, duy trì để từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình. Các tiêu chí của GTCLQG còn là cơ sở để doanh nghiệp tự đánh giá lại toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh của mình trong từng năm, từ đó có kế hoạch cải tiến liên tục. Và theo thường lệ hàng năm, chúng ta sẽ căn cứ vào việc áp dụng các tiêu chí này tại doanh nghiệp, chấm theo thang điểm đã quy định để lựa chọn ra doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chí, từ đó đề xuất trao GTCLQG.
Hai là, trong thời gian tới, Tổng cục TCĐLCL cũng xem xét nghiên cứu xây dựng mô hình điểm doanh nghiệp đã áp dụng thành công các tiêu chí GTCLQG và đã đạt giải. Các doanh nghiệp này sẽ là tấm gương, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khác phấn đấu noi theo.
Ba là, Tổng cục cũng sẽ chú trọng xây dựng mạng lưới, phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn, đánh giá có trình độ cao về GTCLQG, hỗ trợ đắc lực cho hội đồng sơ tuyển tại các địa phương, bộ, ngành và Hội đồng quốc gia để có thể đánh giá, lựa chọn những doanh nghiệp tốt nhất, điển hình nhất để trao GTCLQG.
Bốn là, Tổng cục cũng sẽ thúc đẩy triển khai cơ chế mới để bộ ngành thành lập hội đồng sơ tuyển (trước đây chỉ có 2 cấp hội đồng là hội đồng tỉnh và hội đồng quốc gia). Theo cơ chế này, các bộ, ngành chủ động đề xuất, xem xét, lựa chọn doanh nghiệp ưu tú tiêu biểu trong lĩnh vực hoạt động của bộ ngành giới thiệu cho hội đồng quốc gia. Đây cũng là giải pháp về mặt cơ chế nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia giải thưởng.
Năm là, Tổng cục sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm, giá trị từ doanh nghiệp đã đạt giải cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, người dân biết được các sản phẩm chất lượng do doanh nghiệp điển hình của Việt Nam sản xuất, góp phần thúc đẩy hơn nữa phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Những doanh nghiệp đạt giải cũng sẽ là những điển hình để các doanh nghiệp khác phấn đấu, học tập, góp phần làm lan tỏa ý nghĩa của giải thưởng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Vân - Hán Hiển