SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sửa đổi quy định về nhãn hàng hóa, chống gian lận xuất xứ

[04/05/2021 14:32]

Bộ KH&CN vừa hoàn thiện Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Dự thảo nghị định này đã bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh gồm cả hàng hóa xuất khẩu. Nội dung quy định cụ thể đối với nhãn hàng hóa xuất khẩu được giới hạn ở phạm vi ghi xuất xứ hàng hóa để phòng chống gian lận thương mại, các nội dung khác ghi theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhập khẩu.

Ngoài ra, Dự thảo nghị định cũng quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa. Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt, gồm: tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hoá cho biết, Nghị định 43 được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo từ Nghị quyết 19 (cũ) và Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 do Chính phủ ban hành. Nghị định 43 ra đời dựa trên quan điểm vừa tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Kể từ khi ra đời, Nghị định 43 ngoài việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, giúp cơ quan chức năng làm tốt hoạt động quản lý nhà nước về sản phẩm hàng hóa thì còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Ví dụ như trong Nghị định 43 có quy định miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong các dịch vụ sửa chữa, bảo hành chính hãng mà không nhằm mục đích mua bán trên thị trường. Hay quy định miễn ghi nhãn phụ đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nội bộ (không phục vụ việc mua bán trên thị trường).

Đó là điểm mới mà Nghị định 43 đưa ra mới hơn so với trước đây. Ví dụ như trước đây bất kể hàng hóa là linh kiện, nguyên liệu, nếu không có nhãn Tiếng Việt thì bắt buộc phải ghi nhãn phụ. Việc này khiến doanh nghiệp tốn kém trong việc tổ chức ghi nhãn, in ấn, tốn kém chi phí, thời gian….

Còn điểm mới nữa là đối với hàng hóa không xuất khẩu được ra nước ngoài (có thể do không đáp ứng chuẩn xuất khẩu) nhưng nếu vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước(đảm bảo chất lượng, an toàn) thì vẫn được sử dụng nhãn cũ nhưng được phép gắn thêm nhãn phụ lên để thể hiện rằng hàng đó là hàng xuất khẩu quay lại thị trường trong nước. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều

Nghị định 43 còn cho phép doanh nghiệp tự xác định ghi nhãn hàng hóa theo quy định về xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thuận lợi giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí. Về nguyên tắc, Nhà nước rất tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp tự xác định xuất xứ theo quy tắc xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, cũng yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch, trung thực.

Phong Lâm

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ