Hệ thống, công cụ cải tiến năng suất - giải pháp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam
Thực hiện triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu, triển khai áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam” (03.2/DA2-2019), thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC2) đã hoàn thành việc triển khai áp dụng HTQL nền tảng như ISO 9001; ISO 22000; HACPP…và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến tại 5 doanh nghiệp với các hiệu quả nổi bật được đo lường cụ thể, được minh họa bằng các số liệu, hình ảnh rõ ràng.
Bước tạo đà cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Các doanh nghiệp tham gia nhiệm vụ được hỗ trợ triển khai xây dựng và áp dụng thành công các HTQL nền tảng và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, đủ điều kiện đánh giá chứng nhận HTQL.
Về lợi ích chung các doanh nghiệp đạt được như: Thuận tiện và đảm bảo sự đầy đủ, chặt chẽ trong việc đạt được mục đích quản lý theo từng quá trình phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn; Đảm bảo sự nhất quán, hiệu quả về mô hình và cấu trúc tổ chức, nhân sự (cắt giảm, tiết kiệm nhân lực vận hành hệ thống); Thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân viên, xây dựng thói quen làm việc an toàn; Giúp cho doanh nghiệp giải quyết triệt để các vấn đề về chất lượng; Giảm chi phí đánh giá chứng nhận, giám sát hàng năm; Tinh giản thời gian cho việc tiếp các đoàn đánh giá…
Với thời gian thực hiện nhiệm vụ trong 18 tháng, các kết quả triển khai tại 5 doanh nghiệp được cô đọng, đúc kết theo 2 mô hình. Trong đó, mô hình áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 và 5S (2 doanh nghiệp) giúp cho doanh nghiệp kiểm soát được các vấn đề vật tư lỗi, phế phẩm, công cụ dụng cụ sản xuất…
Nhờ vậy, tỷ lệ lỗi vật tư và bán thành phẩm giảm trung bình 40%; Thời gian sản xuất của doanh nghiệp cũng được rút ngắn hơn thông qua việc tăng năng suất lao động từ đó giúp doanh nghiệp tiết kiệm được 10% chi phí nhân công do làm thêm giờ hay thuê gia công ngoài, kiểm tra vật tư, kiểm tra sản phẩm và thời gian đóng gói và giao hàng.
Mô hình áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm ISO 22000:2018; HACCP và 5S (3 doanh nghiệp): Nhận diện được tất cả các mối nguy xuyên suốt quá trình sản xuất từ khâu nhập liệu đến khâu thành phẩm (sinh học, hóa học và vật lý), từ đó, đưa ra các chương trình kiểm soát vệ sinh (SSOP) và lập bảng tổng hợp kế hoạch HACCP để kiểm soát các điểm tới hạn (CCP) và phòng ngừa tất cả mối nguy liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm các sản phẩm không phù hợp trước khi xuất xưởng; Giữ gìn vệ sinh khu vực sản xuất luôn trong tình trạng được sạch sẽ, các vật dụng được sắp xếp gọn gàng, các nguyên liệu, phụ gia được nhận biết và để đúng vị trí của nó, sắp xếp theo nguyên tắc 1 chiều nhằm tránh tình trạng nhiễm chéo, nhiễm khuẩn trong khu vực sản xuất, vì vậy, việc Công ty kiểm soát được các vấn đề về vệ sinh, tạo sản phẩm an toàn, tăng niềm tin cho khách hàng, mang lại giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
Tổng kết nhiệm vụ, về lợi ích kinh tế đạt được tại 5 doanh nghiệp, tiết giảm lỗi vật tư, nguyên liệu, chi phí nhân công, tăng năng suất lao động, kiểm soát được các mối nguy, lây nhiễm chéo…trung bình tiết kiệm 399,6 triệu đồng trên tổng số 539 triệu chi phí đầu tư cho việc đào tạo, mua sắm kệ, pallet, màn nhựa, vật tư kho…tổng thời gian hoàn vốn trung bình 13,67 tháng.
Phương án nhân rộng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam
Từ những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Trung tâm SMEDEC 2 kiến nghị các Bộ, Sở ban ngành các tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống quản lý nền tảng và công cụ năng suất tiên tiến cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong cả nước theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg. Tuy nhiên, ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, để đem hiệu quả thực sự trong việc tinh gọn hoạt động quản lý điều hành và tổ chức nhân sự, đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị và đảm bảo các điều kiện sau:
Cam kết từ phía Ban lãnh đạo: Đây là yếu tố quyết định thành công khi Ban lãnh đạo hỗ trợ về nguồn lực, tài chính một cách kịp thời, đầy đủ nhằm đảm bảo tiến độ và hiệu quả. Việc triển khai không chỉ là tìm ra các giải pháp kỹ thuật mà còn liên quan rất nhiều các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc xác định giải pháp và lập kế hoạch hành động.
Đối với nhân sự: Doanh nghiệp phải có tình hình nhân sự ổn định, chọn những thành viên nòng cốt của công ty để tham gia nhóm triển khai dự án. Việc thay đổi nhân sự ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, cũng như chất lượng của dự án. Trong quá trình thực hiện, một số dự án đã phải triển khai lại từ đầu do thay đổi nhân sự của doanh nghiệp.
Xác định phạm vi áp dụng: phải đánh giá được thực trạng, xác định được. Mục tiêu, nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp về các hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến. Mục tiêu cần phải được đặt ra rõ ràng và cụ thể nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế tại doanh nghiệp.
Đình Khôi – Thế Nam