Sửa đổi quy định ghi nhãn hàng hóa: Để “vẹn cả đôi đường”?
Được sửa đổi nhằm góp phần hạn chế tình trạng gian lận ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa của Bộ KH&CN vẫn cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để không vô tình gây ra những rào cản đối với doanh nghiệp.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa đang được lấy ý kiến rộng rãi. Ảnh: enternews.vn
Ba điểm nổi bật trong dự thảo
Mỗi khi cầm lên một sản phẩm đang bày bán trong các siêu thị, dù là chai nước tương hay chiếc điện thoại, có lẽ nhãn hàng hóa sẽ là thứ đầu tiên mà người tiêu dùng nhìn vào để tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Chính vì vậy nên việc nhãn của một sản phẩm có đầy đủ và chính xác các thông tin như tên, xuất xứ, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa,... hay không chắc chắn là điều vô cùng quan trọng mà không chỉ các nhà quản lý mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng quan tâm.
Thế nhưng thời gian gần đây, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau “làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm mất đi thương hiệu Việt Nam và gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế nước ta”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) Nguyễn Hoàng Linh cho hay. Do đó, vào năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, trong đó có giao cho Bộ KH&CN nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Linh, bản dự thảo vừa hoàn thiện vào tháng tư và đang được lấy ý kiến rộng rãi ở các cơ quan, doanh nghiệp này tập trung vào ba điểm chính: 1. Bổ sung các quy định liên quan đến ghi nhãn hàng xuất khẩu và nhập khẩu; 2. Bổ sung nội dung cho phép một số thông tin trong nhãn được thể hiện theo phương thức ghi nhãn điện tử, qua đó tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới trong ghi nhãn hàng hóa cũng như truy xuất nguồn gốc; 3. Bổ sung quy định để Bộ Y tế có thể hướng dẫn việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm.
Điểm đáng chú ý của sửa đổi là hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu sẽ được ghi nhãn theo pháp luật của nước nhập khẩu, trong trường hợp nếu nhãn của sản phẩm có thể hiện xuất xứ hàng hóa Việt Nam thì nội dung xuất xứ đó phải bảo đảm đáp ứng quy định liên quan của pháp luật Việt Nam. Đối với hàng nhập khẩu, dự thảo mới yêu cầu trên nhãn gốc của hàng hóa bắt buộc phải thể hiện tên hàng hóa, tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hoặc nơi hàng hóa được hoàn thiện cuối cùng (trường hợp trên nhãn gốc không thể hiện xuất xứ hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa thì bắt buộc phải thể hiện nội dung này trong hồ sơ nhập khẩu kèm theo).
Theo ban soạn thảo, quy định mới về các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn gốc này này sẽ giúp thủ tục hải quan thuận lợi hơn (trước đây cơ quan hải quan gặp khó khăn do không có quy định rõ về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn gốc hàng nhập khẩu tại thời điểm làm thủ tục hải quan), đồng thời tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng thay đổi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng.
Ngoài ra, với xuất xứ hàng hóa nói chung (cả lưu thông trong nước và xuất khẩu, nhập khẩu), dự thảo nghị định cũng bổ sung thêm cách ghi đối với những trường hợp không xác định được xuất xứ, đó là phải ghi rõ, minh bạch về nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, ví dụ như “lắp ráp tại”, “đóng chai tại”,...
Có hoàn toàn thuận lợi cho doanh nghiệp?
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Linh, dự thảo nghị định sửa đổi nếu được thông qua sẽ giúp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình áp dụng Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thời gian qua, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để xử lý những hành vi vi phạm về nhãn, gian lận xuất xứ hàng hóa hay chuyển tải bất hợp pháp.
Chẳng hạn, lý giải về việc đưa thêm hàng xuất khẩu vào quy định ghi nhãn, ông Linh cho hay, hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh nội dung ghi nhãn hàng hóa đối với hàng xuất khẩu cũng như cách ghi xuất xứ, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện, kiểm tra, xử lý. “Thực tế đã xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế để gian lận về xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định để xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường có nguy cơ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam, làm ảnh hưởng tới các ngành hàng trong nước. Do đó việc bổ sung hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh là cần thiết nhằm chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ lợi ích quốc gia”, ông cho biết.
Hay trong bối cảnh KH&CN đang phát triển nhanh chóng như hiện nay và ngày càng có nhiều công nghệ mới ra đời, việc dự thảo bổ sung quy định cho phép một số nội dung ghi nhãn được thể hiện bằng phương thức điện tử cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp áp dụng các hình thức ghi nhãn mới và hiện đại như nhãn điện tử, mã QR Code,...
Đó là những lợi ích có thể nhìn thấy của dự thảo. Tuy nhiên, không phải bao giờ góc nhìn của người thụ hưởng cũng trùng khớp với góc nhìn của nhà quản lý bởi có một khoảng cách tồn tại giữa thực tiễn sống động và quy định trên giấy tờ. Trao đổi với báo KH&PT, ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh vào một thực tế là các quy định về ghi nhãn hàng hóa thường xuyên thay đổi, khiến các doanh nghiệp tốn nhiều thời gian và chi phí để thực hiện. “Nhiều doanh nghiệp đã ước tính rằng mỗi lần thay đổi quy định có thể tiêu tốn của cộng đồng doanh nghiệp một khoản chi phí lên tới hàng ngàn tỷ. Do vậy, cần xem xét hết sức cẩn trọng việc sửa đổi Nghị định 43 để tránh dẫn đến những gánh nặng chi phí không cần thiết, đặc biệt trong thời điểm doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19”.
Dự thảo đã bổ sung một số quy định được dự tính sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, dự thảo đã thêm quy định nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu phải có thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa (tức “tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa”).Tuy nhiên, quy định này được đánh giá là không khả thi và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nguyên nhân là bởi, thông tin người nhập khẩu là thông tin cụ thể, khác nhau giữa những nhà nhập khẩu khác nhau, do đó nếu theo quy định của dự thảo mới thì nhãn gốc của sản phẩm đó với từng nhà nhập khẩu cũng sẽ phải khác nhau.Trong khi đó, nhãn gốc là nhãn mà nhà sản xuất nước ngoài dán lên bao bì sản phẩm, thường dùng cho cả mục đích tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do không phân biệt mục đích như vậy, nên nhãn của sản phẩm xuất khẩu chỉ mang những nội dung chung, chẳng hạn sản phẩm iPhone của Apple sẽ chỉ ghi xuất xứ là Designed in California, made in China.
Vì vậy, rất khó để nhãn hàng hóa có thể mang những thông tin cụ thể, đặc biệt dành cho một đối tượng cụ thể như doanh nghiệp ở Việt Nam. Gần như không thể yêu cầu nhà sản xuất nước ngoài dán riêng cho doanh nghiệp Việt Nam một loại nhãn riêng, và nếu có thể thì chi phí phải bỏ ra để thiết kế, in ấn, dán nhãn riêng cũng rất lớn, cuối cùng những chi phí này lại do người tiêu dùng gánh chịu.
Ông Phạm Văn Hùng
Ban Pháp chế,Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Mỹ Hạnh