Vật liệu xây dựng giả, nhái tràn lan và những mối nguy hiểm tiềm ẩn
Thời gian gần đây tình trạng giá sắt tăng cao khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoành hành bất chấp các quy định của pháp luật chỉ vì lợi nhuận.
Vật liệu xây dựng giả, nhái tràn lan. Ảnh minh họa
Vật liệu xây dựng giả, nhái, kém chất lượng tung hoành
Từ thời điểm đầu năm đến nay, các chủ đầu tư, chủ nhà đã bắt đầu thi công nhiều công trình xây dựng và nhà ở dân cư, do đó thị trường vật liệu xây dựng cũng băt đầu sôi động hơn. Xuất hiện một số đối tượng thực hiện sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bất chấp các quy định của pháp luật chỉ vì lợi nhuận.
Cửa cuốn, cửa bảo vệ, ống nhựa, gạch men, bồn vệ sinh cho đến những mặt hàng nhỏ nhưng quan trọng như thiết bị báo cháy, khóa an ninh, chống trộm dùng trong các tòa nhà đều đã và đang bị làm giả. Kể cả sắt, thép, nhôm cũng bị làm giả, nhái thương hiệu. Khi giá vật liệu đầu vào tăng cao lại càng là cơ hội cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ “lách luật’, tạo ra các sản phẩm kém chất lượng nhưng gắn mác thương hiệu để che mắt khách hàng.
Tình trạng làm giả, nhái trong lĩnh vực này còn trở nên ngày một tinh vi hơn. Ngoài việc có logo, tên gọi, bao bì làm nhái thương hiệu lớn thì thậm chí các sản phẩm này vẫn có đủ cả tem bảo hành, mã QR để truy xuất nguồn gốc… như hàng thật.
Được biết, hàng giả trong lĩnh vực xây dựng có thể được nhập từ Trung Quốc về nhưng được “đội lốt” các thương hiệu Việt, các thương hiệu nổi tiếng thế giới hoặc một số đối tượng trong nước vì lợi nhuận đã mua vật liệu kém chất lượng sau đó “biến hóa” thành các thương hiệu uy tín. Các mặt hàng bị làm giả có giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng và có mẫu mã, màu sắc đa dạng, bắt mắt, khó phân biệt. Đáng nói, những sản phẩm này không chỉ khiến các doanh nghiệp gặp khó mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Những nguy cơ từ vật liệu xây dựng giả, nhái
Đơn cử như cửa cuốn vốn là một mặt hàng có giá trị cao nên nếu bất chấp sử dụng những nguyên vật liệu kém chất lượng, gia công, lắp ráp thiết bị thiếu đồng bộ, không tích hợp công nghệ, thậm chí không có dịch vụ bảo hành thì lợi nhuận thu về có thể rất lớn. Nhưng đổi lại là hiểm họa an toàn an ninh thậm chí tai nạn, thương vong cho người sử dụng.
Theo một doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị vệ sinh, chỉ riêng việc sử dụng một cái vòi nước giả cũng có thể gây nguy hại không nhỏ đến sức khỏe người dùng. Nguyên liệu làm sản phẩm vòi nước giả thường có lượng kim loại nặng vượt mức các tiêu chuẩn an toàn cho phép. Lượng kim loại này có thể ngấm vào nước gây hại cho người tiêu dùng trong quá trình sử dụng.
Ngoài ra, các đồ trang trí nội thất như đồ gỗ bị làm giả cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Bởi để “hóa phép” thành các thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm sẽ được tẩm các hóa chất độc hại, không được kiểm soát nguy cơ, tỉ lệ được phép...
Chẳng hạn, với một số loại ván ép công nghiệp, các nhà sản xuất thường dùng keo dán gỗ, một trong những thành phần của loại keo này có chứa chất formaldehyde, một loại chất được Tổ chức Y tế thế giới liệt kê là chất độc hại đối với sức khỏe con người. Thông thường, lượng formaldehyde có trong đồ gỗ công nghiệp được kiểm soát rất chặt chẽ với tỉ lệ cho phép nhất định.
Tuy nhiên, các loại hàng giả, hàng kém chất lượng thì không ai đảm bảo có sự kiểm soát đối với chất này. Nếu sử dụng lâu dài các loại hàng giả, hàng kém chất lượng trong nhà, sức khỏe của NTD chắc chắn sẽ bị tổn hại nặng nề, đặc biệt là đối với trẻ em và phụ nữ đang mang thai.
Doanh nghiệp gặp khó với sản phẩm vật liệu xây dựng giả, nhái
Trước thực trạng trên khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình huống “một cổ… ba tròng”, không chỉ chịu sức ép từ giá nguyên vật liệu đầu vào, những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 mà còn bị cạnh tranh không lành mạnh từ những sản phẩm giả, nhái trôi nổi trên thị trường. Chưa kể việc bị làm giả, nhái sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín thương hiệu nếu xảy ra các thiệt hại cho khách hàng.
Theo ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều ý thức rõ về việc bảo vệ nhãn hiệu bằng cách sớm đăng ký bảo hộ thương hiệu từ những ngày đầu. Khi có được các chứng nhận cần thiết, doanh nghiệp sẽ có đủ cơ sở pháp lý để rà soát và xử lý phù hợp với các hành vi vi phạm bản quyền.
Không chỉ dừng lại ở các biện pháp tự phòng vệ, một số doanh nghiệp còn có nhiều hành động để đấu tranh chống hàng giả, nhái thương hiệu của mình, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, nhái không thể giải quyết triệt để nếu chỉ phụ thuộc các nỗ lực từ phía doanh nghiệp. Người tiêu dùng là chủ thể quan trọng để đẩy lùi vấn nạn này nhằm bảo vệ sự an toàn và quyền lợi cho mình và gia đình. Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, người tiêu dùng ngày càng ý thức rõ hơn quyền được cung cấp thông tin như nguồn gốc xuất xứ, kiểm định chất lượng, COCQ, kiểm tra thông tin bảo hành chính hãng trước khi lựa chọn sản phẩm.
An Dương