Truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm theo tiêu chuẩn GS1: Kinh nghiệm từ những mô hình điểm
Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm về TXNG cho thực phẩm (rau và trái cây) theo tiêu chuẩn GS1.
Hội thảo trực tuyến chia sẻ kinh nghiệm về TXNG cho thực phẩm (rau và trái cây) theo tiêu chuẩn GS1.
Hội thảo do Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia chủ trì cùng sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, đại diện một số Sở Nông nghiệp, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hiệp hội và các doanh nghiệp liên quan.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ônh Bùi Bá Chính – Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết, thực hiện nhiệm vụ “Phổ biến hướng dẫn và thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho chuỗi cung ứng thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu của GS1” thuộc chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đã tiến hành triển khai thí điểm 3 mô hình áp dụng truy xuất nguồn gốc cho thực phẩm, cụ thể là rau củ theo tiêu chuẩn GS1.
Sau quá trình triển khai áp dụng, các mô hình này đã có những kết quả đáng kể. Bên cạnh việc nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống truy xuất nguồn gốc (TXNG), giúp nâng cao uy tín sản phẩm, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, việc áp dụng hoạt động TXNG còn tăng cường nhận thức, sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với hệ thống TXNG theo tiêu chuẩn quốc tế.
Để phổ biến, nhân rộng mô hình nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa về các mô hình điểm áp dụng TXNG theo tiêu chuẩn của GS1, hội thảo trực tuyến đã giới thiệu mô hình điểm áp dụng hệ thống TXNG theo chuẩn GS1 của Công ty CP Trần Doãn (TP.HCM); Giới thiệu mô hình điểm áp dụng hệ thống TXNG theo chuẩn GS1 – Công ty CP nông sản STEVIA Tây Bắc ( Sơn La); Kinh nghiệm đánh giá thực trạng hệ thống TXNG của doanh nghiệp – Công ty TNHH Giống cây trồng Thuận Nam (Bình Thuận) và tổng quan áp dụng hệ thống TXNG theo chuẩn GS1 và đề xuất nhân rộng mô hình của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Ngọc Doanh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trần Doãn cho biết, dưới sự tư vấn và hỗ trợ từ Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia, TDG Farm đã áp dụng thành công công nghệ truy xuất nguồn gốc vào quy trình nuôi trồng sản xuất nông sản. Doanh nghiệp đã thành lập mô hình nông trại hữu cơ TDG Farm và áp dụng công nghệ TXNG vào quy trình sản xuất nhằm cung cấp nông sản sạch cho người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần xây dựng thị trường “Nông sản sạch Việt Nam” trên thị trường thế giới.
Cụ thể: Áp dụng công nghệ TXNG vào các chiến lược thực tiễn, TDG Farm đã có thể kiểm soát được rủi ro phát sinh trong việc theo dõi, xác minh toàn bộ các quá trình từ khâu gieo trồng, sản xuất đến khâu thành phẩm và cung cấp đến tay người tiêu dùng, góp phần tạo được sự tin tưởng của khách hàng và bảo vệ được uy tín cho thương hiệu TDG Farm của Trần Doãn.
“Áp dụng truy xuất, thông tin được cập nhật liên tục và công khai trên cổng thông tin quốc gia ngay từ những khâu đầu của chuỗi sản xuất; Mỗi một sản phẩm của TDG FARM đều được gắn mã QR, giúp khách hàng dễ dàng kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc giống cây trồng; Sử dụng mã QR Code, mỗi mã QR là một ID duy nhất không trùng lặp với bất kỳ mã QR nào khác; Mỗi mã QR Code đều tích hợp với thông tin TXNG của một lô sản phẩm được đóng gói theo tiêu chuẩn TXNG của GS1 quốc tế; Với thao tác “check” mã QR CODE được gắn trên sản phẩm bằng smartphone, từ đó khách hàng đã có thể nắm được đầy đủ thông tin nguồn gốc của sản phẩm được đóng gói. Nhờ đó, các sản phẩm của TDG Farm dễ dàng có được vị trí trên thị trường nông sản Việt Nam”, ông Doanh cho biết.
Là một doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng làm mô hình điểm, Công ty TNHH Giống cây trồng Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) phải trải qua quá trình thực hiện và đánh giá nhiều khâu để có hệ thống TXNG phù hợp với tiêu chuẩn GS1 toàn cầu.
Từ khảo sát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu TXNG; Tổ chức đào tạo, tập huấn; Xây dựng hệ thống tài liệu; Hướng dẫn áp dụng hệ thống tài liệu vào thực tiễn; Hướng dẫn đánh giá nội bộ; Hướng dẫn khắc phục các nội dung không phù hợp sau đánh giá nội bộ; Hướng dẫn sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC-TRACE…
Các khâu triển khai truy hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Công ty Thuận Nam đã đáp ứng tốt các yêu cầu về “Định danh – thu thập – lưu trữ - chia sẻ”.
Theo đại diện Công ty Thuận Nam, việc áp dụng TXNG theo chuẩn GS1 giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản lý nội bộ, trong đó, hoạt động này giúp thống kê phân tích các hoạt động trong quá trình sản xuất, tìm ra giải pháp thích hợp để quản lý sản xuất hiệu quả.
“Thông qua việc áp dụng các công nghệ tiến tiến, TXNG giúp minh bạch về thông tin hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, phát hiện những điểm không hợp lý để chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất chất lượng cho sản phẩm hàng hóa. Từ việc ứng dụng thành công công nghệ TXNG sản phẩm trong các khâu sản xuất, để đưa ra sản phẩm chất lượng tối ưu nhất cho người tiêu dùng”, đại diện Công ty TNHH Thuận Nam cho biết.
Bên cạnh kết quả được ghi nhận tại doanh nghiệp, chuyên gia của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, ông Nguyễn Văn Đoan cho biết, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa đang là chủ đề được nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng quan tâm. Hệ thống TXNG đã và đang được triển khai áp dụng tại một số doanh nghiệp, tuy nhiên mức độ áp dụng, sự hiểu biết của các tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng đối với hệ thống TXNG còn nhiều hạn chế. Do đó việc phổ biến kinh nghiệm và nhân rộng mô hình là việc làm cần thiết trong thời gian tới.
Được biết, hiện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia hoàn thiện hệ thống tài liệu hướng dẫn áp dụng hệ thống TXNG đối với sản phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn GS1, đây sẽ là cẩm nang giúp cho các doanh nghiệp áp dụng TXNG một cách dễ dàng.
Thanh Uyên