SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Truy xuất nguồn gốc – “Chìa khóa” khởi tạo niềm tin với người tiêu dùng

[08/11/2021 14:39]

Nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của thanh niên, đồng thời giúp các nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, phân phối và người tiêu dùng hiểu sâu hơn quy định, hoạt động truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản, chiều ngày 04/11/2021, Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng sự đồng hành của Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt”.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại Hội thảo

Nâng tầm nông sản Việt

Theo các chuyên gia, trước tình hình thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại, kháng sinh trong thủy sản,… ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu. Các cơ quan chính phủ và các tổ chức quốc tế, các quốc gia đã xác định vai trò, vị trí quan trọng của hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Trên phạm vi quốc tế, Liên minh Châu Âu (EU) ban hành Luật 178/2002/EC đưa truy xuất nguồn gốc trở thành quy định bắt buộc đối với các nước thành viên của EU từ ngày 01/01/2005. Năm 2002, Hoa Kỳ ban hành Luật chống khủng bố sinh học quy định về việc lưu hồ sơ trong triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tháng 01/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization Act), trong đó yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao. Từ những năm 2005, Hàn Quốc, Nhật, Canada, Nga, Singapore… đưa ra yêu cầu các lô hàng nhập khẩu phải có khả năng truy xuất nguồn gốc khi gặp sự cố về chất lượng.

Tại Việt Nam, các quy định liên quan đến truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản cũng sớm được đặt ra như Luật An toàn thực phẩm 2010, Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100); Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ NN&PTNT quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn; Thông tư số 03/2011/TTBNNPTNT ngày 21/01/2011 quy định về truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản;…

Triển khai Đề án 100 của Chính phủ, đến nay Bộ KH&CN đã công bố khoảng 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, đồng thời xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia nhằm trao đổi và khai thác thông tin giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị đều theo chuẩn của GS1. Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước. Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong toàn chuỗi cung ứng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021 - 2030, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo các nguyên tắc bền vững, trách nhiệm và minh bạch, thực hiện Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong những định hướng quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng cho ngành, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia và góp phần không nhỏ xây dựng thương hiệu Nông sản Việt.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, Hội thảo có vai trò đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh vấn đề truy xuất nguồn gốc đang trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường, nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu. Cũng theo ông Linh, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, truy xuất nguồn gốc được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Điều này giúp họ yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được bảo đảm; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam.

Không chỉ vậy, đối với xuất khẩu, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.

Chủ động minh bạch nguồn gốc thực phẩm

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đã chia sẻ những thông tin tổng quan về hệ thống truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là đối với sản phẩm nông lâm thủy sản; về tiêu chuẩn GS1, tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc; những quy định trong xây dựng và quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; những kinh nghiệm thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản hiện nay…, trong đó có đề cập đến vai trò của thanh niên trong việc triển khai thực hiện.

Theo ông Nguyễn Vũ Trung - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, đối với các doanh nghiệp, việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể làm tăng chi phí, nhưng lợi ích thu lại cũng không nhỏ. Hệ thống truy xuất nguồn gốc có thể phục vụ cùng lúc nhiều mục đích và có thể đem lại nhiều lợi ích như: Có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nuôi trồng, chế biến đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối; dễ dàng phát hiện và xử lý nếu có sự cố xảy ra; bảo đảm sự thu hồi nhanh chóng sản phẩm; giảm thiểu tác động của việc thu hồi sản phẩm bằng cách giới hạn phạm vi sản phẩm có liên quan. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp giải quyết việc giả mạo chuỗi cung ứng thực phẩm, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên thị trường.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT đã chia sẻ về những vấn đề liên quan đến xây dựng và quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Theo ông Hiếu, hiện nay nhiều địa phương đã được cấp các mã số vùng trồng để quản lý và thường xuyên được hỗ trợ kỹ thuật. Hiện đã cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó 2.821 mã số vùng trồng cho 12 loại trái cây, trong số này xoài và thanh long là hai loại trái cây có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất; cấp 11 mã vùng trồng cho hạt giống ớt và cà chua; 193 mã số rau gia vị sản xuất trong nhà lưới xuất khẩu sang EU, 389 mã số ngọn cây cảnh, hoa xuất khẩu. Cùng với đó, cấp 1.826 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản,… trên 37 tỉnh, thành phố.

Chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản hiện nay, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho biết, việc chủ động minh bạch nguồn gốc nông sản rất cần thiết, bởi nó tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ và chọn lựa phương án sản xuất kinh doanh cho các kỳ tiếp theo, tránh được việc giả mạo thương hiệu. Đồng thời giúp khách hàng, nhà quản lý, các bên liên quan có cơ sở giám sát bất kỳ khi nào họ cần. Đây cũng là căn cứ để giúp chủ cơ sở giám sát nội bộ, bảo vệ trước pháp luật khi bị truy xuất nguồn gốc.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam thảo luận về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động truy xuất nguồn gốc nông sản

Về giải pháp, công nghệ số - chuyển đổi số sẽ giúp ích nhiều cho truy xuất nguồn gốc, có thể ghi chép đa phương tiện, lưu trữ không giới hạn, kết nối không biên giới,… giúp truy xuất nguồn gốc nhanh, thuận tiện hơn, dễ dàng minh bạch và hỗ trợ kịp thời cho các chủ cơ sở trong chuỗi cung ứng, tránh rủi ro. Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định truy xuất nguồn gốc. Người dân, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo quy định. Cần có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm ngành hàng để người dân/doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Việc truy xuất nguồn gốc có thể thực hiện linh hoạt, đa dạng, sử dụng đa nền tảng để đáp ứng yêu cầu với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ cũng như các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc. Do đó, rất cần triển khai các hoạt động kết nối, truyền thông để thông tin lan tỏa rộng rãi. Cần huy động đội ngũ đoàn viên thanh niên, kết nối mạng lưới thanh niên, tổ chức các cuộc thi nhằm cập nhật kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này để đạt kết quả cao nhất.

Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến "Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt"

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ