Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phục vụ hạ tầng số
Đại diện doanh nghiệp cho rằng cần hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hạ tầng, thiết bị phục vụ triển khai; xây dựng chiến lược quốc gia về hạ tầng số thật cụ thể.
Ảnh minh họa
Phát biểu tại Hội thảo với chủ đề “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nêu rõ, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Đồng thời tập trung thực hiện giải pháp “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử. Thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các doanh nghiệp và trong các cơ quan nhà nước”. Thực hiện thắng lợi đột phá này sẽ góp phần quan trọng đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp.
Theo ông Đỗ Ngọc An, thực tế hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội ở nước ta những năm qua có phát triển mới, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng rộng kết nối đến từng gia đình, từng cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh và xác thực số đang được thúc đẩy phát triển, đầu tư trước để đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới.
Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn còn không ít tồn tại thể hiện ở một số điểm như: Hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin còn chậm về tốc độ, chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển Internet vạn vật, thành phố thông minh, phương tiện tự động, sản xuất thông minh…
Việc tiếp cận dịch vụ băng rộng ở khu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế; cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia tạo nền tảng cho kinh tế số còn phân tán. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức..
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, những hạn chế, yếu kém trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo đó, công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tính đồng bộ. Việc quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu, một số quy định pháp luật chưa phù hợp...
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả tập trung phân tích, chia sẻ chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về thúc đẩy phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Hạ tầng cho phát triển bền vững – kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam; Ứng dụng công nghệ số nâng cao năng lực phục hồi sau đại dịch trong dài hạn; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật số phục vụ quá trình Công nghiệ hoá – Hiện đại hoá đất nước cũng như những vấn đề liên quan tới đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho các hạ tầng số…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, diễn giả cũng tập trung phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến các hạn chế, yếu kém nêu trên và chỉ ra các tồn tại này là một trong những cản trở lớn đối với sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam phải tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước; nhất là phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số; Phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến, hiến kế, đề xuất cách tiếp cận mới để phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế, xã hội; những chính sách trọng tâm, cũng như khuyến nghị các giải pháp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới.
Trong đó, ông Phạm Anh Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) kiến nghị giải pháp phát triển hạ tầng số bằng cách đẩy mạnh áp dụng mô hình điện toán đám mây; ưu tiên sử dụng các giải pháp hạ tầng số được các đơn vị trong nước phát triển; lựa chọn doanh nghiệp triển khai hạ tầng số có uy tín, kinh nghiệm và có nhiều nguồn lực.
Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hạ tầng, thiết bị phục vụ triển khai; xây dựng chiến lược quốc gia về hạ tầng số thật cụ thể.
Bảo Lâm