Global G.A.P - Tiêu chuẩn giúp nông sản Việt vươn xa tại thị trường EU
Các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông phẩm Việt Nam muốn có cơ hội vươn xa tại thị trường EU thì bắt buộc phải biết và hiểu về tiêu chuẩn Global G.A.P.
Kiểm tra ruộng lúa trồng theo tiêu chuẩn Golbal G.A.P
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu nông phẩm sang EU còn gặp nhiều trở ngại và thành công như mong muốn. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap, cho rằng có thể đáp ứng các yêu cầu mà các nhà nhập khẩu EU mong muốn. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu EU đều không thừa nhận tiêu chuẩn trên, họ chỉ công nhận các sản phẩm sản xuất theo Global G.A.P.
Ông Nguyễn Huy, chuyên gia Global G.A.P, Eurofins Group, cho rằng điều đáng buồn rất nhiều công ty vẫn cho rằng Global G.A.P chỉ là tờ giấy chứng nhận để bán được hàng. Vì thế, việc mở rộng vùng trồng đạt chuẩn Global G.A.P còn chậm, do đó thiếu nguyên liệu đạt chuẩn EU để xuất khẩu. Trong khi nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông sản chất lượng cao để đưa vào các kênh phân phối của EU rất lớn.
Bán được hàng cho khách ban đầu đã rất khó nhưng để giữ được khách hàng EU 5 năm, 10 năm hay lâu hơn nữa thì cần chất lượng ổn định ở từng container hàng xuất đi, không bị cảnh bảo, không bị thu hồi do sử dụng chất cấm.
Chính vì thế, các doanh nghiệp cần hiểu phải có Global G.A.P thì mới tiếp cận được thị trường nông phẩm châu Âu nếu không các doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó có thể vươn tới thị trường này trong dài hạn.
TS. Hán Quang Hạnh, nghiên cứu tại Đại học Glasgow, Vương quốc Anh đang công tác tại Học viện nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Global G.A.P là bộ quy trình hướng dẫn sản xuất an toàn hơn từ đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Là chứng nhận quá trình sản xuất, thu hoạch không chứng nhận sản phẩm, tạo tin tưởng cho người tiêu dùng, tiếp cận được thị trường cao cấp, sản phẩm đi được xa hơn.
Tuy nhiên, do quy hoạch xây dựng trang trại chưa hợp lý; đa số chưa lập kế hoạch, quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản; chưa quan tâm đúng mức tới việc ghi chép, theo dõi quá trình sản xuất; chưa quan tâm đúng mức tới phúc lợi của người lao động, vấn đề chất thải và ô nhiễm môi trường; chưa thường xuyên đánh giá và cải tiến quy trình sản xuất; công nhân chưa được tập huấn đầy đủ, chưa thực hiện theo đúng quy trình sản xuất đã đặt ra… khiến các doanh nghiệp trong nước khó khăn trong việc xây dựng và đạt tiêu chuẩn Global G.A.P.
Để khắc phục điều này, theo ông Hạnh, doanh nghiệp cần tìm hiểu và tuân thủ các điểm kiểm soát theo tiêu chuẩn Global G.A.P, tự đánh giá nội bộ và tự cải tiến, có thể thuê chuyên gia tư vấn.
Những khó khăn trên không phải là không có lời giải, vấn đề của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là chuyển biến tập quán sản xuất theo kinh nghiệm sang tiêu chuẩn quốc tế, chuyển sản xuất từ tiêu chuẩn của thị trường trung bình sang giai đoạn sản xuất cho thị trường cao cấp để đạt giá trị gia tăng lớn hơn, phát triển nông nghiệp bền vững hơn.
Global G.A.P là một bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Good Agricultural Practice). Với mục tiêu tiên quyết tạo nên nền nông nghiệp an toàn và bền vững toàn cầu, các tiêu chuẩn Global G.A.P được xây dựng nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất nông nghiệp trong 3 lĩnh vực: Trồng trọt; chăn nuôi; thủy sản.
Để đạt chứng nhận Global G.A.P người sản xuất phải chứng minh các sản phẩm của mình được canh tác tuân thủ các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chuẩn Global G.A.P. Đối với người tiêu dùng và đại lý bán lẻ, giấy chứng nhận Global G.A.P là sự đảm bảo rằng sản phẩm đã đạt được mức độ an toàn và chất lượng được chấp nhận, đồng thời phải đảm bảo sự canh tác nông nghiệp bền vững nghĩa là tôn trọng sức khỏe, an toàn và phúc lợi cho người sản xuất, môi trường và kể cả vấn đề chăm sóc cho động vật. Nếu không đảm bảo những điều cơ bản trên thì trang trại sẽ không được chứng nhận theo bộ tiêu chuẩn Global G.A.P
Lợi ích mà bộ tiêu chuẩn GLOBAl G.A.P. mang lại:
• Tiêu chuẩn Global G.A.P. giúp tăng giá trị sản phẩm vì nó tương ứng với bộ tiêu chuẩn quốc tế
• Mở rộng thị trường, đa dạng hóa khách hàng, như cung cấp phân phối trong và ngoài nước.
• Giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm khi được chứng nhận theo tiêu chuẩn Global G.A.P.
• Cải tiến quy trình sản xuất và quản lí nông nghiệp
• Gây dựng niềm tin với khách hàng trong loại hình kinh doanh thương mại điện tử (B2B)
• Lợi ích của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Global G.A.P.
• Tiếp cận đến nguồn thực phẩm sạch và chất lượng
• Bảo đảm sức khỏe với các loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn toàn cầu
• Có thể truy xuất được nguồn gốc sản xuất của các sản phẩm đạt chuẩn Global G.A.P.
Tiêu chuẩn GLOBALGAP đảm bảo các yếu tố sau:
• Độ an toàn, nguồn gốc và xuất xứ của sản phẩm
• Thân thiện với môi trường (bao gồm sự đa dạng sinh học)
• Điều kiện làm việc, sức khỏe và an toàn lao động của người sản xuất
• Cách thức nuôi dưỡng và điều kiện sinh sống của vật nuôi
• Các tiêu chuẩn về “Quản lí cây trồng tổng hợp” (ICM), “Quản lí dịch hại tổng hợp” (IPC), “Hệ thống quản lí chất lượng” (QMS), và “Hệ thông phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn” (HACCP)
Một trong các mục tiêu chính của tiêu chuẩn Global GAP là hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón khi canh tác, để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của nông nghiệp đối với môi trường xung quanh và duy trì tuổi thọ đất nông nghiệp.
Nguyễn Hương