Cảnh giác hành vi nhái thương hiệu và logo doanh nghiệp lớn để lừa đảo bán hàng
Thủ đoạn lừa đảo bán hàng bằng cách sử dụng tên cửa hàng và logo nhái, gần giống với các cửa hàng lớn, uy tín đã không còn mới lạ, tuy nhiên ngày càng tràn lan và tinh vi hơn.
Nhiều đối tượng dùng logo, tên tuổi doanh nghiệp lớn, uy tín để lừa đảo bán hàng. Ảnh: CellphoneS
Nhiều nhãn hàng bị sử dụng logo và tên để đối tượng lừa đảo bán hàng
Hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam vẫn còn xảy ra rất nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng.
Cụ thể, trong thời gian vừa qua, trên thị trường, đặc biệt là các sàn thương mại điện tử, xuất hiện một số người bán hàng sử dụng logo và tên cửa hàng gần giống với CellphoneS với mục đích lừa đảo bán hàng. Bên cạnh đó, họ còn nhái logo của công ty CellphoneS nhằm đánh lừa người tiêu dùng một cách tinh vi hơn. Thủ đoạn này tuy không mới nhưng vẫn có nhiều khách hàng bị lừa mua hàng tại những nơi giả mạo, không uy tín này.
Một số cửa hàng offline cũng có dấu hiệu nhái thương hiệu CellphoneS, tuy nhiên chỉ xuất hiện chủ yếu ở một số khu vực quận huyện nhỏ ở một vài tỉnh. Do logo thương hiệu CellphoneS đã được bảo hộ nên việc nhái thương hiệu này nếu để ý một chút thì khách hàng cũng sẽ dễ dàng nhận ra.
Việc nhái thương hiệu các chuỗi bán lẻ lớn hiện nay, ngoài CellphoneS thì các chuỗi lớn khác trên thị trường cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Đơn cử như thời gian qua, một số doanh nghiệp kinh doanh LPG khác đang sử dụng trái phép hình ảnh, thương hiệu Gas Pacific Petro, Esgas và Logo Pacific Petro của Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương. Với mục đích lợi dụng thương hiệu để gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của Công ty Pacific Petro, các doanh nghiệp này đã thực hiện chiết nạp trái phép vỏ bình mang thương hiệu Pacific Gas và Esgas.
Công ty Cổ phần thương mại xuất nhập khẩu dầu khí Thái Bình Dương, doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản, là đơn vị duy nhất sở hữu trí tuệ về logo và thương hiệu Pacific Gas, Esgas. Công ty được bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam theo xác nhận của Cục SHTT - Bộ Khoa học và Công nghệ cho nhóm ngành hàng (gas) chất đốt; khí đốt hóa lỏng với giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 261072 cấp ngày 15-4-2016 và quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp theo quyết định số 4874/QĐ-SHTT ngày 14-10-2019.
Hành vi sử dụng logo và tên doanh nghiệp khác để lừa đảo bán hàng xử lý ra sao?
Theo quy định của Luật SHTT và Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16-10-2013 về Xử phạt vi phạm vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, mức phạt tiền áp dụng sẽ khác nhau đối với cá nhân hoặc tổ chức. Bên cạnh hình phạt chính, mức phạt bổ sung cũng được quy định đối với những cá nhân, tổ chức cố ý thực hiện những hành vi xâm phạm, kèm theo các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm quyền tác giả gây ra đối với chủ sở hữu của logo bị xâm phạm.
Do vậy, việc cá nhân, tổ chức khác sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu, hình ảnh, logo của khác mà chưa được công ty chấp thuận là hành vi trái với quy định của pháp luật. Không những thế, việc đánh cắp bản quyền thương hiệu còn làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, danh dự của các cá nhân, tổ chức hoạt động.
Do đó, việc sử dụng logo, thương hiệu thương mại có bản quyền của công ty khác là vi phạm vào Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) – Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Cụ thể Điều 129 quy định:
Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó; Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.
An Dương