SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ và đổi mới sáng tạo - thúc đẩy năng suất, tăng trưởng kinh tế

[01/12/2021 09:11]

Trong bối cảnh CMCN 4.0 diễn ra mạnh mẽ, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ sớm giải phóng để tạo ra sự bùng nổ về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Ảnh minh họa

Theo Viện Năng suất Việt Nam, cuộc CMCN 4.0 với sự ra đời của công nghệ mới và những sáng tạo có tầm bao phủ rộng đang lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi hơn nhiều so với các cuộc cách mạng trước đó. Trong bối cảnh đó, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ sớm giải phóng để tạo ra sự bùng nổ về năng suất và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Quy luật cạnh tranh của nền kinh tế trong CMCN 4.0 sẽ khác với các thời kỳ trước. Để có được lợi thế cạnh tranh, quốc gia phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo.

Về chỉ số đổi mới sáng tạo, theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2020 Việt Nam đứng thứ 42 trên 131 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 3 trong khối ASEAN (chỉ sau Singapore và Malaysia). Thứ hạng này đã cải thiện 20 bậc so với xếp hạng năm 2016 và đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Trong suốt quá trình thực hiện cải cách từ những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều để chuyển đổi hệ thống đổi mới sáng tạo, tìm kiếm con đường tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo xu hướng này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và KH&CN.

Chiến lược nêu rõ “Hướng trọng tâm hoạt động khoa học, công nghệ vào phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển theo chiều sâu góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ: nâng cao năng lực, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, tăng cường hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ”.

Sau một thập kỷ thực hiện Chiến lược, các chỉ tiêu đầu vào của nghiên cứu và phát triển như số lượng các bài báo khoa học, số bằng sáng chế đã được cải thiện. Năng lực đổi mới, ngoài việc tích lũy kiến thức từ các nghiên cứu và hoạt động sáng chế, còn thể hiện năng lực của một quốc gia khuyến khích sự sáng tạo, sự tương tác và hợp tác giữa các cá nhân và tổ chức, khả năng thương mại hóa các sản phẩm mới. Mặc dù về năng lực cho đổi mới đã được cải thiện nhiều, nhưng các chỉ số vẫn cần được tiếp tục cải thiện để đổi mới, sáng tạo trở thành động lực cho phát triển kinh tế trong giai đoạn tới theo đúng chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Bằng nỗ lực mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp như dệt may sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao như điện tử và viễn thông, công nghiệp chế biến chế tạo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã góp phần cải thiện năng suất trên cả nước, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và mở rộng thị trường.

Chiến lược công nghiệp hóa hướng vào thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tăng trưởng đáng kể. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 14,4 tỷ USD năm 2000 lên 264,2 tỷ USD năm 2019, chiếm 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu bị chi phối bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI vượt qua doanh nghiệp nội địa, khoảng cách này ngày càng mở rộng cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các doanh nghiệp FDI, trong xuất khẩu chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Khoảng cách về năng suất lao động giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa của Việt Nam là trên 30% (tính toán của Viện Năng suất Việt Nam năm 2019). Khoảng cách này liên quan đến quyền sở hữu cũng như trình độ công nghệ. Đây cũng là hạn chế đối với vấn đề tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.

Thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất lao động

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đưa ra tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Hiện tại, trên thế giới đã có khoảng gần 40 nước đang ở giai đoạn nền kinh tế hướng vào đổi mới, trong đó có 4 nước/vùng lãnh thổ châu Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore. Nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế của Việt Nam chuyển sang hướng nền kinh tế đổi mới. Để làm được điều này, Việt Nam cần chú ý một số biện pháp cốt lõi.

Một là, cần xây dựng kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất lao động dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, chú trọng sự liên kết bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế nhằm xây dựng các chương trình nâng cao năng suất, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo xuyên suốt.

Cho đến nay, được sự quan tâm của Chính phủ, nhiều chương trình KH&CN, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy năng suất đã được triển khai thực hiện ở các bộ, ngành, nhưng các hoạt động tương đối độc lập, thiếu sự liên kết. Để thực hiện hiệu quả các chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế là rất quan trọng.

KH&CN, đổi mới sáng tạo vừa là chìa khóa quan trọng tăng năng suất lao động trong nội tại nền kinh tế, vừa là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Vì vậy, trong giai đoạn tới, các chính sách thúc đẩy năng suất cần tác động toàn diện, tích cực và đồng bộ tới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, gồm chính sách đối với các viện nghiên cứu, trường đại học thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tạo ra tri thức, công nghệ và chính sách đối với các doanh nghiệp để doanh nghiệp thực sự phát huy vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Hai là, xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất. Để nâng cấp vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, bắt buộc phải có hàng loạt công ty đổi mới sáng tạo quan trọng chứ không nhất thiết là các công ty mới khởi nghiệp trong các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano. Các doanh nghiệp nhà nước truyền thống, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần được nâng cấp để trở thành các công ty đổi mới, sáng tạo.

Theo đó, để hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam có thể cạnh tranh, hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá, doanh nghiệp cần phải triển khai các hoạt động nghiên cứu phát triển, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Mỗi loại hình doanh nghiệp cần có những chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Ba là, nâng cao năng lực hấp thụ tiến bộ công nghệ. Ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 98% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm 74%. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ thường thiếu và yếu trong công tác đào tạo, tập huấn người lao động, cũng như hệ thống quản trị để có thể vận hành được công nghệ mới, hiện đại. Vì vậy, cần có một số hỗ trợ mang tính nền tảng cho việc hấp thụ công nghệ ở các doanh nghiệp.

Những năm qua, các chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp đã một phần hỗ trợ thực hiện mục tiêu nêu trên, đặc biệt truyền bá được ý nghĩa của việc nâng cao năng suất, tạo nhận thức trong cộng đồng về năng suất, nhưng số doanh nghiệp tiếp cận được với Chương trình chưa nhiều và chưa liên kết được việc ứng dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất với đổi mới sáng tạo và đổi mới công nghệ nên chưa tạo ra được thay đổi đột phá. Vì vậy, cần xây dựng được cơ chế gắn kết các chương trình hỗ trợ khác nhau, ví dụ, khi doanh nghiệp nhận được các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ thì cần đi kèm với các chương trình đổi mới hệ thống quản trị hoặc các chương trình đào tạo kỹ thuật.

Bảo Lâm

www.vietq.vn (ctngoc)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ