Lâm Đồng: Nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ
Nhờ áp dụng khoa học và công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thay đổi cách thức làm việc, làm nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo ra sản phẩm hàng hóa mới hơn với chất lượng và giá trị cao hơn.
Ảnh minh họa
Thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 của Chính phủ, Sở KHCN Lâm Đồng đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo, xây dựng “Vườn ươm khởi nghiệp”, cung cấp dịch vụ, truyền thông cho khởi nghiệp, hỗ trợ các trường đại học, cơ sở đào tạo cho khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
15 năm qua, Sở KHCN Lâm Đồng đã hỗ trợ khoảng 300 doanh nghiệp (chiếm 30% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực) nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập kinh tế. Từ đó, giúp các doanh nghiệp cải tiến hệ thống quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, kết nối các công nghệ phù hợp để tiến hành đổi mới công nghệ. Xác lập và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh; đến nay, toàn tỉnh có 24 nhãn hiệu đã được xác lập và phát triển.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ; do đó, năng lực hấp thu công nghệ, việc triển khai các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến còn hạn chế, quá trình đổi mới sáng tạo diễn ra không liên tục. Các doanh nghiệp với quy mô lớn hơn chưa có sự quan tâm thích đáng cho việc áp dụng tiến bộ khoa học và phát triển công nghệ. Số lượng doanh nghiệp KHCN rất ít, cả tỉnh chỉ có 5 doanh nghiệp KHCN được công nhận. Các ý tưởng khởi nghiệp tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao nên chưa thu hút các nhà đầu tư, thiếu vốn để triển khai vào thực tiễn. Kinh phí đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo vẫn còn ở mức thấp (chỉ đạt 0,7% tổng chi ngân sách nhà nước, so với quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ là 2% tổng chi ngân sách nhà nước). Chất lượng các nghiên cứu đã được nâng lên nhưng việc ứng dụng, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu chưa thật sự hiệu quả. Trình độ công nghệ trong các ngành chế biến nông sản đang dừng ở mức trung bình khá, trong khi Lâm Đồng đang có nhiều mô hình canh tác nông nghiệp đạt tiêu chí công nghệ cao sản xuất ra nguồn nguyên liệu chế biến dồi dào.
ThS. Phạm Thị Nhâm - Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, để khắc phục những tồn tại trên, đưa KHCN và đổi mới sáng tạo thật sự là nền tảng của việc tăng năng suất, trong thời gian tới ngành KHCN Lâm Đồng sẽ tập trung vào một số giải pháp sau: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền việc tăng năng suất lao động thông qua việc áp dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Rà soát, khảo sát, phân loại các doanh nghiệp theo lĩnh vực, quy mô, từ đó có biện pháp hỗ trợ hợp lý trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ, tổ chức hoạt động đổi mới sáng tạo trong chính nội tại doanh nghiệp. Lấy yêu cầu của thị trường làm đầu vào, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu nhanh nhất cũng như nâng cao năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp. Triển khai có hiệu quả các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đưa ra, GRDP giai đoạn 2021-2025 đạt 7-8%, tốc độ tăng năng suất lao động là 8-9%.
Bảo Linh