Duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Kế hoạch duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001 trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh năm 2022.
Một khóa tập huấn về áp dụng ISO 9001 tại Đồng Tháp.
Kế hoạch được ban hành với mục đích áp dụng có hiệu quả Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001 (gọi tắt là HTQLCL) vào hoạt động, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị. Điều này góp phần giúp công chức thực hiện công việc khoa học, rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công;
Đồng thời, tạo bước chuyển biến trong công tác phối hợp giải quyết công việc giữa các phòng, ban trong cơ quan, đơn vị; giữa các cơ quan, đơn vị với các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, việc áp dụng ISO 9001 còn góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.
Để việc áp dụng HTQLCL thực sự là công cụ hỗ trợ đắc lực thực hiện thành công nhiệm vụ cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, theo kế hoạch trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng sẽ phấn đấu mỗi năm tổ chức 06 lớp đào tạo về nhận thức và đánh giá viên nội bộ HTQLCL cho cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính nhà nước đang áp dụng HTQLCL về phương pháp duy trì và cải tiến HTQLCL;
Bồi dưỡng các kỹ năng cho đại diện lãnh đạo về chất lượng của cơ quan hành chính nhà nước; Thực hiện đào tạo chuyên sâu về hoạt động kiểm tra giám sát việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL trong cơ quan hành chính cho cán bộ, công chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc áp dụng HTQLCL tại các cơ quan hành chính.
Về hoạt động duy trì và cải tiến HTQLCL, rà soát, kịp thời cập nhật các thay đổi của thủ tục hành chính do UBND Tỉnh ban hành, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động xử lý công việc vào HTQLCL để áp dụng, đảm bảo các quy trình ISO phù hợp với quy định, văn bản quy phạm pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong xử lý, điều hành công việc của các cơ quan, đơn vị.
Thực hiện đánh giá nội bộ và xem xét của lãnh đạo (tối thiểu 01 lần/ năm) để đảm bảo HTQLCL luôn phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN ISO 9001, quy định pháp luật và thực tế hoạt động tại cơ quan, đơn vị; Thực hiện công bố lại HTQLCL phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 khi có sự điều chỉnh, mở rộng, thu hẹp phạm vi áp dụng HTQLCL; Triển khai áp dụng HTQLCL đối với các hoạt động nội bộ, hoạt động khác của cơ quan nếu xét thấy cần thiết.
Liên quan tới vấn đề trên, theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ISO 9001 cung cấp các mô hình và công cụ chẩn đoán cho phép thực hiện một HTQLCL hoàn chỉnh sẽ dẫn đến cải thiện hiệu quả và độ tin cậy của chính quyền địa phương.
Việc sử dụng HTQLCL ISO đóng vai trò quan trọng trong cải thiện dịch vụ công, bằng cách cung cấp tiếp cận độc đáo và hài hòa đối với các quy định công, trong đó thừa nhận tính minh bạch và đơn giản là những yếu tố cần thiết để củng cố niềm tin, sự hài lòng của công chúng đối với các dịch vụ công.
Ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa và quản lý hồ sơ công vụ, tiêu chuẩn ISO 9001 còn là công cụ hỗ trợ đặc biệt hiệu quả cho công tác cải cách hành chính của cơ quan công quyền. Sự phát triển này đánh dấu cột mốc quan trọng khi Việt Nam nỗ lực thiết lập Chính phủ điện tử và số hóa hơn nữa các quy trình, thủ tục hành chính công.
Việc sử dụng tiêu chuẩn ISO 9001 đã được chứng minh là có hiệu quả ở tất cả các cấp, với những lợi ích chính được nhận thấy trong các lĩnh vực được coi là nhạy cảm về mặt xã hội như giao quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký khai sinh, cấp giấy chứng nhận.
Nghiên cứu cho thấy sự quan tâm đến việc áp dụng ISO 9001 đã tăng lên theo từng năm trong khoảng thời gian 5 năm qua ở tất cả các bộ, ngành và khu vực.
Bảo Lâm