Khoa học công nghệ là khâu đột phá
“Khoa học chính là khâu đột phá cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như trên tại hội nghị tổng kết công tác năm 2011 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 10.1 tại Hà Nội. Phóng viên Đất Việt ghi nhanh ý kiến phát biểu của Thủ tướng tại Hội nghị nói trên.
Trong năm qua, Việt Nam ngày càng chứng tỏ
là nước có thế mạnh về nông nghiệp, khi xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới,
hạt điều, hạt tiêu thứ nhất, thủy sản thứ tư thế giới, sức cạnh tranh tăng
mạnh. "Trong đó, đóng góp của KH-CN trong phát triển nông nghiệp khoảng
30%", Thủ tướng nói.
Thu hẹp khoảng cách trình độ KH-CN
Xuất phát từ 6.000 ha mặt nước nuôi cá da
trơn, đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia số 1 trên thế giới về xuất khẩu
loại cá này. KH-CN đã giúp tạo ra giống cá mẹ đẻ nuôi công nghiệp, sau đó là
quy trình chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, năng suất cao.
Thủ tướng cho biết, năng lực trình độ KH-CN
của VN có bước được nâng cao hơn, cho phép tiếp thu, làm chủ nhiều công nghệ
mới, nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công một số thiết bị công nghệ đạt tiêu
chuẩn quốc tế. Khoảng cách KH-CN giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực
cũng có bước được thu hẹp lại. Ví dụ như Việt Nam là nước duy nhất ở trong khu
vực Đông Nam Á làm được giàn khoan tự nâng 90m nước và hiện đã được một số nước
đặt hàng. Việc chế tạo thành công chip 32bit đưa Việt Nam trở thành một trong
những nước tự chủ được nền công nghệ thiết kế vi mạch, hay ứng dụng tế bào gốc,
ghép nội tạng…
Thủ tướng nhận định, 10 nước ASEAN đều đánh
giá cao nông nghiệp Việt Nam, đánh giá cao về giống, kỹ thuật canh tác. Tổng
thống Mianma đã giới thiệu với Thủ tướng một trang trại 10ha do người Việt Nam
giúp, có năng suất cao hơn hẳn. Hay như Campuchia, Philippin đánh giá rất cao
trình độ KH-CN về nông nghiệp của Việt Nam, công nghệ sinh học của Việt Nam
trong vấn đề giống, kỹ thuật canh tác.
Tạo môi trường thuận lợi cho KH-CN
KH-CN đã và đang trở thành động lực thúc
đẩy phát triển KH-XH, vì vậy Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành KH-CN quan tâm xây
dựng thể chế, cơ chế chính sách tạo ra một môi trường tốt hơn nữa, điều kiện
thuận lợi hơn nữa để KH-CN thực sự là khâu đột phá, là giải pháp quyết định
trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, thực sự có vai
trò đóng góp nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của doanh
nghiệp, của sản phẩm và của cả nền kinh tế.
Theo thủ tướng, việc hoàn thiện thể chế để
tạo ra môi trường thuận lợi, vừa khuyến khích, vừa tạo sức ép để mọi người, mọi
doanh nghiệp ứng dụng KH-CN, coi đó là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển
bền vững. Đó là nhân tố quyết định tái cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô
hình tăng trưởng. Làm sao để các doanh nghiệp đều hào ứng ứng dụng công nghệ
mới thay thế công nghệ cũ tiêu hao nhiều nhiên liệu, vật liệu.
Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay nhiều
doanh nghiệp chưa coi đổi mới công nghệ là điều kiện sống còn của mình, vì vậy
cần phải có cơ chế để doanh nghiệp thấy phải đổi mới công nghệ mới tồn tại phát
triển. Việc này cần có sự chung tay của nhiều bộ ngành và dưới sự chủ trì của
Bộ KH-CN.
“Tôi được biết, Bộ KH-CN sắp trình lên
Chính phủ 25 sản phẩm trọng điểm quốc gia, nhưng Bộ cần rà soát lại, có thể mỗi
sản phẩm là một cơ chế riêng, để sản phẩm ra thị trường có sức cạnh
tranh", Thủ tướng lưu ý và cho rằng, nếu đưa mục tiêu 25 sản phẩm mà không
kèm theo cơ chế thì không làm được việc gì. Ông đề nghị Bộ KH-CN trình các sản
phẩm quốc gia lên trong năm nay, trong đó nên đi sâu vào từng sản phẩm, có cơ
chế đặc thù với từng loại sản phẩm. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đặc biệt
phát triển sản xuất nông nghiệp, cần rà soát lại, làm vừa sức và chọn các trọng
điểm để đầu tư kinh phí, cơ chế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong năm
2012, Bộ KH-CN cần tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tạo ra môi trường thuận lợi
cho việc nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, để khoa học công nghệ thật sự là khâu đột
phá, là giải pháp có tính quyết định trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
"Phải làm thế nào để ai ai cũng hăng
hái đổi mới khoa học công nghệ, làm sao để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp
nhà nước thấy rằng cần tự chủ trong khoa học mới có thể tồn tại", Thủ
tướng nói và mong muốn có nhiều doanh nghiệp khoa học ra đời hơn nữa.