Hướng dẫn kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường
Hướng dẫn kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được ban hành sẽ góp phần giúp các cơ quan, tổ chức có căn cứ để thực hiện hoạt động kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và tăng cường kiểm tra nhà nước về đo lường, mở rộng cách thức kiểm tra, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường góp phần vào việc ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.
Dự thảo “Hướng dẫn kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường” đã hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị trong Tổng cục và đang trong quá trình xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức địa phương nhằm hoàn thiện dự thảo.
Thực hiện xã hội hóa hoạt động đo lường theo quy định của Luật Đo lường, hiện nay đã có nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.
Ngày 09 tháng 11 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Theo Nghị định này, một số điều kiện đối với tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường được đơn giản hóa và cắt bỏ.
Với tinh thần xã hội hóa và đơn giản hóa, cắt bỏ điểu kiện kinh doanh của Luật Đo lường và Nghị định 154/2018/NĐ-CP đã hình thành nhiều tổ chức tham gia hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và tăng đều hàng năm khoảng 15 - 20 %.
Thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra và quản lý, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã phát hiện một số hiện tượng có dấu hiệu không thực hiện nhưng vẫn cấp chứng nhận kiểm định, kiểm định/hiệu chuẩn không đúng quy trình, kiểm định/hiệu chuẩn tắt, bớt quy trình, không mang đầy đủ chuẩn theo quy định,…
Theo báo cáo thanh tra, kiểm tra của địa phương và báo cáo của Thanh tra Bộ KH&CN thì các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường chủ yếu tập trung vào các chủng loại phương tiện đo như cột đo xăng dầu, cân ô tô, công tơ điện và đồng hồ đo nước lạnh trong lĩnh vực kiểm định. Đối với hoạt động hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường ít xảy ra vi phạm pháp luật về đo lường. Trường hợp có vi phạm thì chỉ áp dụng kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch, định kỳ và đột xuất đều có thể phát hiện được.
Hiện nay, hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường chủ yếu thực hiện theo kế hoạch, định kỳ và đột xuất với hình thức công bố quyết định kiểm tra trước khi thực hiện hoạt động kiểm tra tại cơ sở. Với các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp thì các hình thức, biện pháp hiện nay để thực hiện kiểm tra nhà nước về đo lường theo Thông tư 28/2013/TT-BKHCN không có khả năng phát hiện được hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.
Ảnh minh họa
Để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm nêu trên, ngoài việc phải tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, còn phải có biện pháp mới về đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm này.
Tuy nhiên, tại Khoản 3 Điều 27 của Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN đã có quy định về đối tượng kiểm tra đặc thù nhưng chưa có văn bản nào quy định hướng dẫn cách thức thực hiện. Do vậy, các cơ quan chức năng như: Tổng cục, đặc biệt là Thanh tra Sở, Chi cục TCĐLCL địa phương không thực hiện được kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Thời gian qua, Tổng cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng dự thảo Quyết định ban hành “Hướng dẫn kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường”. Ngoài ra, Tổng cục đã tổ chức các hội thảo, gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức liên quan đối với dự thảo Quyết định.
Dự thảo “Hướng dẫn kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường” đã hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị trong Tổng cục và đang trong quá trình xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức địa phương nhằm hoàn thiện dự thảo.
“Hướng dẫn kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường” được ban hành sẽ góp phần giúp các cơ quan tổ chức có căn cứ để thực hiện hoạt động kiểm tra đặc thù đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và tăng cường kiểm tra nhà nước về đo lường, mở rộng cách thức kiểm tra, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường, góp phần vào việc ngăn ngừa, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường.
Trần Quý Giầu