Vĩnh Long: Đảm bảo 100% thủ tục hành chính được xử lý và kiểm soát bằng hệ thống quản lý chất lượng
UBND tỉnh Vĩnh Long đã có Quyết định ban hành Kế hoạch áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2022.
Đảm bảo việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL phải phù hợp theo yêu cầu tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015
Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 (gọi tắt là HTQLCL) vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, công việc nội bộ của cơ quan. Thực hiện đạt được mục tiêu cải cách thủ tục hành chính theo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo Quyết định số 2617/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Yêu cầu đặt ra phải đảm bảo việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL phải phù hợp theo yêu cầu tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Phạm vi áp dụng HTQLCL phải đảm bảo 100% thủ tục hành chính, một số công việc nội bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao được xử lý và kiểm soát bằng HTQLCL (nếu cần thiết). Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của HTQLCL, giúp cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rằng việc xây dựng, áp dụng, duy trì HTQLCL tại cơ quan là trách nhiệm được quy định tại Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo hàng năm đạt 100% số điểm của Tiêu chí/Tiêu chí Thành phần 7.4. trong bộ Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.
Áp dụng cho 143 cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh gồm 28 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 08 cơ quan thuộc UBND cấp huyện; 107 cơ quan thuộc UBND cấp xã.
Theo Kế hoạch, các nội dung sẽ tập trung thực hiện như tiếp tục triển khai quán triệt nội dung Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước; Tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc áp dụng HTQLCL trên các phương tiện thông tin như báo, đài phát thanh - truyền hình. Biểu dương, khen thưởng, khuyến khích công chức, viên chức trong việc duy trì, áp dụng HTQLCL tại đơn vị.
Tiếp tục công tác áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL. Xây dựng hệ thống văn bản, tài liệu và các quy trình xử lý công việc hợp lý phù hợp Mô hình khung HTQLCL và yêu cầu TCVN ISO 9001:2015; Áp dụng HTQLCL trên thực tế hệ thống văn bản, tài liệu; thực hiện đánh giá nội bộ, khắc phục các điểm không phù hợp (nếu có); lãnh đạo tiến hành xem xét, cải tiến HTQLCL nhằm đảm bảo phù hợp yêu cầu theo yêu cầu; Công bố HTQLCL phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.Đồng thời, việc duy trì, cải tiến HTQLCL phải thực hiện hàng năm.
Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. Xây dựng, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định. Theo dõi việc xây dựng, áp dụng, duy trì cải tiến, công bố, công bố lại HTQLCL, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Kinh phí hoạt động duy trì, cải tiến HTQLCL của các cơ quan được thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Thông tư số 116/2015/TT-BTC ngày 11/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Kinh phí hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì cải tiến HTQLCL từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh được giao năm 2022.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn cho các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh nội dung xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo đúng quy định.
Hà My