Truy xuất nguồn gốc - nâng tầm nông sản Việt
Việc thực thi các FTA vừa là yêu cầu vừa là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản. Thông qua thực hiện truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý..., các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nâng tầm cho sản phẩm.
Truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý... giúp nâng tầm nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Ảnh minh họa.
Thời gian qua, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được xem như "chìa khóa vàng" để nông sản Việt Nam mở rộng cánh cửa ra thế giới. Tuy nhiên, đa dạng thị trường cũng đồng nghĩa với việc đa dạng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm; môi trường bền vững; quyền lợi cho người lao động; thương mại công bằng... trong sản xuất và xuất khẩu, đòi hỏi các ngành hàng nông sản Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ để thích ứng.
Giới chuyên gia cho rằng, để tận dụng tốt nhất lợi thế từ các FTA, việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu được coi là yêu cầu sống còn trong giai đoạn hiện nay. Hiện, ngành hàng rau quả, gia vị đang triển khai dự án "Tăng cường năng lực xuất khẩu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau quả Việt Nam" (SFV-Export) do VCCI phối hợp với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam xây dựng.
Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký VCCI, Giám đốc dự án SFV- Export cho biết: Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành hàng gia vị, rau quả về các kỹ thuật chuyên sâu giúp doanh nghiệp tuân thủ và được chứng nhận đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm do châu Âu công nhận; hỗ trợ hoạt động marketing, phát triển thị trường, cung cấp thông tin về thị trường và kết nối doanh nghiệp với các đối tác tiềm năng từ thị trường châu Âu; số hóa hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến thương mại trên nền tảng số chuyên biệt; hỗ trợ cải thiện chính sách và thực hành tốt liên quan đến người lao động, bình đẳng giới và bảo vệ môi trường; thúc đẩy hợp tác đa bên để nâng cao năng lực ngành và quảng bá nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu...
Cùng với nâng cao năng lực doanh nghiệp thì để khai thác tốt nhất lợi thế FTA, cần quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng thương hiệu cho nông sản - một trong những vấn đề không mới nhưng triển khai thực hiện lại chưa hiệu quả ở hầu hết ngành hàng nông nghiệp thời gian qua.
Cho đến nay, phần lớn hàng nông sản Việt Nam vẫn xuất thô và khi ra thị trường nước ngoài sẽ được chế biến, ghi nhãn mác, thương hiệu của các công ty nước ngoài. Chính vì thế, người tiêu dùng ở nhiều quốc gia còn ít biết đến hàng nông sản Việt Nam, chưa nâng cao được sức cạnh tranh và tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.
Hiểu rõ sự cần thiết của thương hiệu, trong lĩnh vực lúa gạo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận chia sẻ: Hiện Lộc Trời đang triển khai kế hoạch đưa các sản phẩm gạo như Lộc Trời 28, Jasmine, Sức sống Mekong... xuất khẩu vào các nước châu Âu dưới chính thương hiệu Lộc Trời, giúp gạo Lộc Trời khẳng định vị thế chất lượng và tăng sản lượng tiêu thụ qua từng năm. Các đợt hàng vừa qua Lộc Trời đã xuất khẩu đều là sản phẩm của quá trình tổ chức sản xuất, canh tác khoa học từ hạt giống đến hạt gạo, kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường và có sự chia sẻ lợi ích cùng các hộ nông dân tham gia liên kết với tập đoàn.
Có thể nói, việc thực thi các FTA vừa là yêu cầu cũng vừa là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho mặt hàng nông sản. Thông qua thực hiện truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý..., các doanh nghiệp hoàn toàn có thể nâng tầm cho sản phẩm. Hiện, EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, đều là những nông sản có lợi thế xuất khẩu, như: nước mắm Phú Quốc, trà Mộc Châu, cà-phê Buôn Ma Thuột, vải Lục Ngạn, mật ong Mèo Vạc, nho Ninh Thuận...
Thanh Tùng