Đo lường đóng vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học
Đó là những chia sẻ của ông Phan Minh Hải – chuyên gia của Tổ tư vấn Đề án 996 tại Hội thảo khoa học “Đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” vừa diễn ra mới đây.
Ông Phan Minh Hải - chuyên gia của Tổ tư vấn Đề án 996.
Chia sẻ vai trò của đo lường và nhu cầu đổi mới hoạt động đo lường, ông Phan Minh Hải cho biết đo lường là một lĩnh vực khoa học - kỹ thuật chính xác, có vai trò quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng.
Đo lường thống nhất và chính xác góp phần đảm bảo công bằng xã hội; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ và môi trường; đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước;…
Cũng theo ông Hải, nhu cầu về đo, thử nghiệm, kiểm tra trong doanh nghiệp, đo là xác định giá trị của đại lượng cần đo (định lượng nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, các thông số của quá trình công nghệ, vv….); Thử nghiệm là xác định các đặc tính chất lượng của sản phẩm, nguyên vật liệu (quá trình sản xuất, nghiệm thu, bàn giao); Kiểm tra là phân loại các đối tượng trong quá trình, xác định sự phù hợp để đưa ra quyết định cho hoạt động tiếp theo (một phần của đo, thử nghiệm).
Còn đo trong sản xuất, thứ nhất là giai đoạn chuẩn bị sản xuất: Đo là xác định khối lượng, thể tích nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, số lượng bộ phận, chi tiết, bán thành phẩm, vv... để phục vụ cho giai đoạn sản xuất; Thử nghiệm là xác định thành phần, đặc tính nguyên vật liệu, bộ phận, chi tiết, bán thành phẩm, vv... để xác định sự phù hợp về chất lượng theo yêu cầu sản xuất; Kiểm tra là xác định sự phù hợp của quy cách, kích thước các chi tiết, bộ phận lắp ráp, bán thành phẩm, vv....
Thứ hai là giai đoạn sản xuất, đo là xác định và kiểm soát, điều khiển các thông số của trình (ví dụ, nhiệt độ nung, áp suất nén, lượng, thời gian, tỷ lệ các thành phần vật liệu phối trộn, vv...) để đảm bảo chất lượng của sản phẩm chế tạo; Thử nghiệm là xác định thành phần, đặc tính của mẫu bộ phận, chi tiết, bán thành phẩm, vv... trong giai đoạn sản xuất; Kiểm tra là định cỡ, căn chỉnh thiết bị, đồ gá, bộ phận, chi tiết, vv ... để đảm bảo gia công, lắp ráp được chính xác.
Thứ ba là giai đoạn nghiệm thu và phân phối sản phẩm, thử nghiệm là xác định một số thành phần, đặc tính của mẫu thành phẩm để nghiệm thu sau sản xuất; Kiểm tra là xác định kích thước, dung sai để xác định sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn sản xuất; Đo là định lượng sản phẩm, hàng hóa trong giao dịch, mua bán, thanh toán.
Đo trong kinh doanh, giai đoạn nhập hàng hóa đầu vào: Đo là xác định lượng hàng hóa nhập từ bân giao; Thử nghiệm là xác định thành phần, đặc tính chất lượng của hàng hóa; Kiểm tra là xác định kích thước, dung sai để xác định sự phù hợp với yêu cầu của hàng hóa tiếp nhận. Giai đoạn tồn trữ, vận chuyển: Đo là xác định lượng hàng hóa tỏng quá trình tồn trữ, vận chuyển; Thử nghiệm là định kỳ xác định sự duy trì và đảm bảo các đặc tính chất lượng của hàng hóa trong tồn trữ.
Giai đoạn giao hàng, xuất bán: Thử nghiệm là xác định một số thành phần, đặc tính của mẫu hàng hóa để giao hàng; Kiểm tra là thực hiện theo quy định về quản lý của cơ quan có thẩm quyền; Đo là định lượng sản phẩm, hàng hóa trong giao dịch hàng hóa.
Liên quan đến ảnh hưởng của kết quả đo, theo ông Hải, phép đo có độ chính xác thấp - có thể dẫn đến tổn thất, thất thoát trong giao nhận, tỷ lệ sản phẩm không phù hợp cao dẫn đến thiệt hại trong quá trình giao hàng, bảo hành, sửa chữa sản phẩm lỗi và phát sinh phàn nàn, khiếu kiện, thậm chí vi phạm pháp luật; Ngược lại, phép đo có độ chính xác cao quá - dẫn đến chi phí đầu tư lớn vào thiết bị, công nghệ, môi trường và chi phí vận hành, đào tạo nhân lực dẫn đến không hiệu quả hoặc giảm lợi nhuận. Mục đích của đo lường chính là đảm bảo cho phép đo đạt được độ chính xác cần thiết với chi phí thấp nhất.
Thực trạng hoạt động đo lường tại doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đầy đủ vai trò của đo lường, vì vậy hoạt động đo lường chỉ đáp ứng yêu cầu bắt buộc của quản lý nhà nước; Không được đầu tư tăng cường để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; Đôi khi để xảy ra sự phù hợp, gây tổn thất, lãng phí, thậm chí vi phạm pháp luật về đo lường. Chính vì vậy, rất cần phải có sự đổi mới về đo lường.
Hà My