Tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí trong nhà của Việt Nam: Định lượng công trình xanh
Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành về chất lượng không khí trong nhà được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện chất lượng không khí trong nhà - một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá định lượng công trình xanh ở Việt Nam.
Các đồ đạc làm từ gỗ tự nhiên phủ sơn PU hay gỗ ván ép thường có nồng độ VOC và formaldehyde rất cao.
Dù ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người song vấn đề ô nhiễm không khí trong nhà chưa bao giờ được chú ý như ô nhiễm không khí ở ngoài trời. Tình trạng này khiến một câu hỏi tưởng chừng đơn giản như “chất lượng không khí trong nhà như thế nào là đạt chuẩn?” cũng trở thành nan giải, bởi lẽ, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn riêng về chất lượng không khí trong nhà.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), khoảng trống về tiêu chuẩn không chỉ dẫn đến những nguy cơ về sức khỏe mà còn đặt ra nhiều bài toán khó cho doanh nghiệp. “Do thiếu quy chuẩn về chất lượng không khí trong nhà, cũng như các yêu cầu liên quan đến vấn đề thử nghiệm, kiểm tra các chỉ tiêu VOC (hợp chất hữu cơ dễ bay hơi), formaldehyde, nấm mốc… trước khi đưa công trình vào vận hành hoặc sau khi cải tạo công trình, hoặc các quy định về bắt buộc áp dụng chứng chỉ E0, E1 đối với các vật liệu có phát thải formaldehyde trong nhà, đặc biệt từ ván sàn gỗ, sơn vecni, thảm… nên hiện nay, việc kiểm soát các yếu tố này chủ yếu dựa vào sự tự nguyện của các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp, phân phối, nhập khẩu các sản phẩm”, ông Nguyễn Công Thịnh nhận định.
Mong muốn gỡ bỏ những vướng mắc này đã phần nào trở thành hiện thực thông qua tiêu chuẩn TCVN 13521:2022 - Nhà ở và nhà công cộng - Các thông số chất lượng không khí trong nhà do Bộ KH&CN công bố vào cuối tháng tám vừa qua. “Tiêu chuẩn này quy định giá trị giới hạn các thông số chất lượng không khí trong nhà, áp dụng cho các nhà ở và nhà công cộng khi đóng kín cửa chống lạnh trong mùa đông hay điều hòa không khí làm mát trong mùa hè. Tiêu chuẩn này được dùng làm điều kiện cơ sở để thiết kế cấu bao che và hệ thống thiết bị thông gió - điều hòa không khí của tòa nhà và để đánh giá chất lượng môi trường trong nhà đối với các công trình xanh”, TS. Phạm Thị Hải Hà ở trường ĐH Xây dựng cho biết.
Nền móng nghiên cứu vững chắc
Cũng giống như phần lớn các tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, từ trước đến nay, các tiêu chuẩn trong lĩnh vực môi trường, bao gồm cả chất lượng không khí chủ yếu được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn nước ngoài. Nhưng với tiêu chuẩn mới về chất lượng không khí trong nhà, đơn vị soạn thảo đã cố gắng giảm yếu tố nước ngoài và bám sát với thực tế của Việt Nam. Theo GS. Phạm Ngọc Đăng ở Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, “Trong hơn 50 năm qua, tôi đã có cơ hội tham gia xây dựng nhiều tiêu chuẩn cho Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng - phần lớn các tiêu chuẩn đó đều được biên dịch từ tiêu chuẩn của nước ngoài. Nhưng khi nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn này, dưới sự tài trợ của Bộ Xây dựng và tập đoàn Panasonic, chúng tôi đã có cơ hội thực hiện các nghiên cứu, khảo sát thực tế để có đầy đủ số liệu về môi trường không khí trong nhà của Việt Nam, làm cơ ở để xây dựng tiêu chuẩn, kết hợp với sự tham khảo của một số tiêu chuẩn liên quan trên thế giới”.
Để thu được nguồn dữ liệu chất lượng, nhóm nghiên cứu đã thiết kế tỉ mỉ các mẫu khảo sát, chỉ tiêu quan trắc cũng như phương pháp đo đạc về chất lượng không khí trong nhà trên cả ba miền. “Trong vòng bốn năm, chúng tôi đã liên tục thực hiện các nghiên cứu khảo sát đánh giá hiện trạng môi trường không khí trong các tòa nhà văn phòng, nhà ở và nhà siêu mới - nhà mới xây dựng hoặc cải tạo, dùng các vật liệu hiện đại ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Khi lựa chọn, chúng tôi đều tính đến sự điển hình của các điểm khảo sát. Chẳng hạn với nhà văn phòng, chúng tôi chia ra nhiều giai đoạn xây dựng: chọn những văn phòng cũ, xây dựng từ những năm 1990, nhà xây dựng từ những năm 2000, và những tòa nhà những xây dựng trong vài năm gần đây..., TS. Phạm Thị Hải Hà, một thành viên của ban soạn thảo cho biết.
Quá trình này không chỉ giúp nhóm nghiên cứu xác định được giá trị của các thông số quan trọng và phổ biến thường dùng trong đánh giá chất lượng không khí trong nhà (PM2.5, PM10, bụi chì, CO, CO2, NO2, SO2, TVOC, formaldehyde, ozon, nicotin, tổng vi khuẩn và tổng nấm mốc) để đưa vào tiêu chuẩn mà còn mang lại những phát hiện mới về tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà ở Việt Nam. Sự khác biệt trong thiết kế và chất liệu đồ đạc dẫn đến sự đa dạng trong ô nhiễm ở mỗi nhà. “Chẳng hạn như ở nhà riêng sử dụng đồ đạc làm từ gỗ tự nhiên và phủ sơn PU (polyurethane) có nồng độ VOC rất cao, trong khi đó ở các căn hộ chung cư xây mới thường dùng gỗ ván ép lại có nồng độ formaldehyde rất cao, có nơi chúng tôi đo thấy cao gấp 35 lần so với mức chuẩn”, TS. Phạm Thị Hải Hà cho biết. Một điều thú vị là những căn nhà trồng càng nhiều cây xanh và dùng thảm thì càng có nhiều vi khuẩn và nấm mốc. “Khi khảo sát, chúng tôi thấy một căn nhà dùng thảm và trồng nhiều cây xanh lại có nồng độ vi khuẩn cao nhất. Bên cạnh những tòa nhà cũ, những công trình ‘xanh’ với nhiều cây cối thường có nồng độ vi khuẩn rất cao, vì cây xanh và đất trồng cây xanh là nguồn phát sinh các loại vi khuẩn”.
“Tính bản địa” cũng là một trong những điểm nổi bật nhất của bộ tiêu chuẩn TCVN 13521:2022. Điển hình là “trong bộ tiêu chuẩn này, chúng tôi có đưa ra khuyến nghị về việc đốt hương nhang trong nhà khi thờ cúng - một trong những đặc trưng phổ biến ở các ngôi nhà Việt Nam. Cụ thể, các dạng nhà ở có không gian thờ cúng cần hạn chế đốt hương nhang vì sẽ thải ra các loại bụi mịn và các chất VOC. Kết quả khảo sát ở những nhà có nơi thờ cúng, thường xuyên đốt hương nhang, có nồng độ bụi PM2.5 và TVOC vượt tiêu chuẩn cho phép từ 3,7 - 6,3 lần. Do vậy, trong trường hợp không gian thờ cúng trong nhà đóng kín cửa bật điều hòa không khí, khi đốt hương nhang cần phải lắp đặt thêm máy lọc không khí”, TS. Phạm Thị Hải Hà nói.
Nâng cao năng lực phân tích
Để triển khai ứng dụng tiêu chuẩn này trong thực tế, ngoài việc xây dựng các thông số giới hạn về chất lượng không khí trong nhà, ban soạn thảo cũng đưa ra các phương pháp đo và phân tích kèm theo. Chẳng hạn như với bụi PM2.5, giới hạn chấp nhận được là 50 µg/m3, sử dụng phương pháp đo theo tiêu chuẩn ISO 16000-37-2019. “Chúng tôi đã đưa ra hướng dẫn đo, số lần mẫu đo trong tiêu chuẩn, cách lựa chọn điểm đo… thông số nào mà Việt Nam chưa có phương pháp đo thì sẽ sử dụng phương pháp quốc tế”, TS. Phạm Thị Hải Hà cho biết. “Trên thực tế, các chất ô nhiễm trong tiêu chuẩn này có thể không phổ biến trong không gian của các tòa nhà cụ thể, nhưng tất cả đều cần được theo dõi trong tình huống nghi ngờ có nguồn thải tiềm năng trong tòa nhà. Trước khi vào ở tòa nhà mới xây hay vừa được sửa chữa cải tạo, người sử dụng cần tiến hành đo lường kiểm tra nồng độ VOC và formaldehyde có đáp ứng tiêu chuẩn hay không. Ngoài ra, chúng ta cần phải thường xuyên kiểm soát nồng độ ozon trong nhà để đảm bảo nó không thể đột biến gây ra kích hoạt các biến đổi hóa học đối với ozon và VOC trong nhà”.
Khác với quy chuẩn mang tính chất bắt buộc áp dụng, việc sử dụng các tiêu chuẩn như TCVN 13521:2022 chỉ mang tính chất khuyến nghị, tự nguyện. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn này, “hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu để xem xét sau một số năm áp dụng tiêu chuẩn, có thể đưa vào hệ thống quy chuẩn để kiểm soát các nguyên tắc, yêu cầu kỹ thuật phải đảm bảo trong quá trình làm, lập dự án đầu tư, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình”, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn thuộc loại mới trên thế giới như tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong nhà ở Việt Nam trong thực tế không phải là điều dễ dàng. “Trong tiêu chuẩn này có một số chỉ tiêu liên quan đến kiểm soát vấn đề ẩm mốc, formaldehyde… là những thứ tương đối mới, cá biệt có những vấn đề chúng ta còn đang thiếu các chuyên gia, thiếu tiêu chuẩn phương pháp thử, công cụ, phòng thử nghiệm, cũng như điều kiện về kinh tế, kỹ thuật để đo đạc, lấy mẫu, quan trắc, giám sát và đánh giá các chi tiêu này”, ông Nguyễn Công Thịnh nhận định. “Hiện nay có một số cơ sở có thể làm được, tuy nhiên số lượng chưa nhiều và chi phí vẫn còn cao. Do vậy, cùng với việc ban hành tiêu chuẩn này, rất mong chúng ta sẽ có thêm các đơn vị nghiên cứu, tư vấn, chứng nhận, thử nghiệm các chỉ tiêu về chất lượng không khí trong nhà cũng như các chỉ tiêu phục vụ cho việc công bố môi trường, sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng”.
Thanh An
www.khoahocphattrien.vn (nhnhanh)