Tiêu chuẩn đặt ra không phải để làm khó nông dân
Đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc các tiêu chuẩn, hàng rào về kỹ thuật ngày một nhiều lên vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa để thúc đẩy chất lượng nông sản ngày càng hoàn thiện hơn.
Ảnh minh họa
Khó khăn trong công tác xây dựng tiêu chuẩn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 44,9 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Đồng thời, hầu hết thị trường xuất khẩu nông sản đều nâng cao tiêu chuẩn, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Bùi Phước Hòa, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực.
Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là vấn đề chi phí, trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý.
Khó khăn thứ 2 là thời gian, trong đó bao gồm thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, thời gian lập và lưu trữ hồ sơ, thời gian đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện và thời gian cập nhật, trao đổi thông tin.
Vấn đề thứ 3 mà Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đưa ra là văn hóa trong sản xuất. Có thể kể đến như mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình, chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của đội ngũ nhân sự. Thói quen và tập quán trồng trọt/ canh tác, thu hoạch cũ và chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc lưu lại bằng chứng tuân thủ quy định…
Để giải quyết những khó khăn này, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhất quán về chính sách, tạo ra những quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tào về tiêu chuẩn.
Trong khi đó, người nông dân cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.
Biết rõ tiêu chuẩn nhưng vẫn vi phạm
Trên cương vị là một trong số các doanh nghiệp đầu tiên thành công trong việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, bà Hồ Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát cho biết, đối tác phía Trung Quốc khi nhập khẩu sầu riêng rất thẳng thắn, nếu sầu riêng không đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, doanh nghiệp nước bạn sẽ từ chối mua và không bao giờ quay trở lại.
Bà Hồ Đức Minh chia sẻ, nông dân hoàn toàn biết các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, tuy nhiên, việc tuân thủ hay không lại là câu chuyện khác. Tổng giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát cho biết, nông dân khi đã phun thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép, doanh nghiệp khi tiếp nhận không có cách nào rửa trôi đi được và lô nông sản đó sẽ bị quay đầu, không thể xuất khẩu.
“Tiêu chuẩn đặt ra không phải để làm khó nông dân”, bà Minh nhấn mạnh. Việc các tiêu chuẩn, hàng rào về kỹ thuật ngày một nhiều lên vừa để bảo vệ người tiêu dung, vừa để thúc đẩy chất lượng nông sản ngày càng hoàn thiện hơn. Để cải thiện chất lượng nông sản, bà Hồ Đức Minh cho rằng, nông dân nên quan tâm nhiều hơn tới việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất, qua đó, đúc rút được kinh nghiệm sản xuất qua từng năm.
Cần nâng cao chất lượng sản phẩm
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, biện pháp kiểm dịch động thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm được các quốc gia thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe, cuộc sống của con người, động, thực vật tránh ảnh hưởng và lây lan qua thương mại quốc tế. Trong số các thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam, hiện Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm.
Hai bên đã có các nghị định thư, thỏa thuận kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa hai nước; kiểm soát an toàn nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước; nghị định thư kiểm dịch gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...
Theo đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thị trường Trung Quốc hiện mới tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.
Đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này. Hàn Quốc cũng là một thị trường khó tính. Họ có quy định cụ thể về dư lượng, các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Đối với thị trường EU, sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang thị trường này cần tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp cần đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu sang EU...
Với các quy định này, ông Hòa kiến nghị doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các qui định về kỹ thuật và yêu cầu về SPS (các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của Tổ chức Thương mại thế giới-WTO) của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức và quan niệm – từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm (thị trường trong nước và nước ngoài: Hội chợ, Triển lãm và kết nối hệ thống siêu thị). Ông cũng đề xuất tăng cường đầu tư máy móc thiết bị và nghiên cứu sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý và giám sát về an toàn thực phẩm cho quá trình sản xuất và chế biến...
Bảo Lâm