Hàng nhái, hàng giả tràn ngập vỉa hè: Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu từng khu vực
Theo ghi nhận, hiện nay trên các vỉa hè nhiều tuyến phố của TP.Hà Nội bày bán tràn lan hàng nhái, hàng giả khiến người tiêu dùng như lạc vào 'ma trận'.
Hàng nhái, hàng giả ngập tràn vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong
Hàng giả, hàng nhái tràn ngập vỉa hè Hà Nội
Ghi nhận trên báo Hà Nội mới, thời gian gần đây, trên vỉa hè các tuyến đường, phố của Hà Nội xuất hiện nhiều hơn các sạp hàng quần áo, giày dép, túi xách, chăn ga gối đệm… mang nhãn mác các thương hiệu lớn, xuất xứ từ nước ngoài được bày bán công khai.
Theo quan sát, người tiêu dùng đua nhau mua sắm, bất chấp lời cảnh báo về chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả. Các chủ bán hàng cũng phớt lờ sự kiểm soát của lực lượng chức năng, chỉ đến khi bị "dẹp" thì họ ôm hàng bỏ chạy.
Điển hình như dọc đường Vành đai 3, đoạn qua địa phận phường Yên Sở (quận Hoàng Mai), các sạp hàng bán thắt lưng, ví da, ốp điện thoại với giá 50.000-100.000 đồng nhiều vô kể. Hàng gia dụng được quảng cáo là "hàng Nhật bãi" có giá từ vài chục nghìn đồng/sản phẩm.
Theo chị Lê Thị Lan, người dân phường Yên Sở, điều chị lo lắng là hàng hóa được dán mác ngoại nhưng giá chỉ vài chục nghìn đồng, không biết chất lượng có được như lời giới thiệu hay không.
Thói quen lang thang mua sắm hàng giá rẻ vỉa hè dường như đã khá quen thuộc với người dân khu vực đường Cầu Diễn, đoạn qua phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Vào mỗi buổi chiều, nhiều xe ô tô chở hàng chục chiếc chăn ga gối, đệm hay ba lô, va li đỗ ngay trên vỉa hè.
Các thương hiệu nổi tiếng như chăn Yuki, đệm Everon, ba lô Adidas... đã đổ bộ “chợ vỉa hè” với giá rẻ chưa từng có. Cụ thể, chiếc chăn được giới thiệu là lông cừu chỉ 200.000-300.000 đồng/ chiếc. Đệm Everon có giá 300.000-500.000 đồng/chiếc... Khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm, người bán hàng chỉ trả lời qua loa là hàng nhà máy. Trong khi đó, bất chấp cảnh báo hàng giả, nhái, người tiêu dùng vẫn xuống tiền mua hàng.
Người bán hàng trên vỉa hè phố Cương Kiên (quận Nam Từ Liêm) bày phụ kiện điện thoại trong một chiếc xe tải với đủ chủng loại và vô tư giới thiệu, bán hàng cho khách. Không khó để mua được những chiếc tai nghe đắt đỏ của hãng Apple với giá 150.000-300.000 đồng...
Theo ghi nhận của báo Tiền Phong, hàng chục tuyến phố, vỉa hè Hà Nội về đêm hàng quán tràn lan, trông xe “chặt chém”, lộn xộn, hàng nhái tung hoành và có dấu hiệu thả nổi quản lý.
Tại một ki ốt bán nước hoa, mỹ phẩm tại ngã tư Hàng Đường – Lãn Ông, ở đây bày bán loạt nước hoa của các hãng nổi tiếng như Chanel, Gucci, Nina Ricci… Lọ nước hoa Chanel Chance 100ml bán với giá 350.000 đồng; Dior Sauvage EDP 100ml giá 400.000 đồng… Tại các cửa hàng chính hãng, giá nước hoa Chanel Chance 100ml là 4,5 triệu đồng, Dior Sauvage EDP 100ml 3,2 triệu đồng… Người bán hàng nói rằng, nước hoa là loại 1:1 (chuẩn như hàng hãng), chỉ là tỷ lệ pha loãng hơn nên giá rẻ hơn chính hãng.
Ngoài mỹ phẩm, nước hoa, mặt hàng bày bán nhiều nhất là túi, giầy dép, quần áo. Rất nhiều thương hiệu túi cao cấp bày bán theo kiểu đổ đống, đồng giá. Túi xách Chanel, Louis Vuitton, Dior… được treo đồng giá 150.000 đồng tấp nập người mua; giầy dép, quần áo thể thao hãng Nike, Adidas, Puma đồng giá 100.000 đồng…
Khu vực phố Tạ Hiện, chừng 9 giờ tối trở đi, nhiều hàng quán kê thêm bàn tràn xuống cả đường đi. Phố phường như nghẹn lại. Lực lượng chức năng vừa quay đi, hàng quán lập tức lại bủa vây, tràn xuống lòng đường.
Ngăn chặn hàng giả phải xác định rõ trách nhiệm người đúng đầu theo từng địa bàn
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trịnh Quang Đức cho biết, tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm… Để đấu tranh với loại hình tội phạm này, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, phối hợp với các địa phương để kiểm soát xử lý hàng hóa từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến khi lưu thông.
Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Việt Trung cho biết, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân không nên mua hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì lực lượng chức năng phường ra quân thường xuyên kiểm tra, thu giữ hàng hóa vi phạm lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh.
Tương tự, theo Chủ tịch UBND phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) Hồ Trọng Thắng, 3 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo 197 phường đã tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh buôn bán, nghiêm khắc tháo dỡ bục bệ, thu giữ hàng hóa lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến đường trọng điểm như Trần Hữu Dực, Nguyễn Văn Giáp, Hàm Nghi.
Nhằm ngăn chặn tình trạng bán hàng giả, hàng nhái, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố liên tục ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, trong đó thu giữ hàng hóa, xử phạt hành chính các trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Song về cơ bản, khi lực lượng đi khỏi thì vi phạm lại tái diễn. Do đó, cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái tại các “chợ vỉa hè” cần sự chung tay góp sức của người tiêu dùng.
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái đang tung hoành ngoài thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội mới đây cũng đã lên kế hoạch tổng kiểm tra trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… trên địa bàn toàn thành phố.
Theo lực lượng chức năng Hà Nội, chỉ còn vài ngày nữa sẽ đến Tết dương lịch và sau đó là Tết Nguyên đán 2023. Lợi dụng thời điểm này, không ít gian thương sẽ tìm nhiều cách để kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng… để bán cho người tiêu dùng. Do đó cần kiểm soát xử lý hàng hóa từ khâu nguyên liệu đến khâu sản xuất cho đến khi lưu thông trên thị trường.
An Dương