Năng suất chất lượng sẽ thay đổi cuộc đời mỗi con người
Những quan niệm sai lầm về năng suất thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này. Chính vì thế, cần xoá bỏ bí ẩn về thuật ngữ năng suất, đưa năng suất trở thành một thuật ngữ thân thiện với xã hội.
TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại tọa đàm.
Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng (TCĐLCL) phối hợp với trường Đại học Trà Vinh tổ chức toạ đàm đàm “Tổng quan về năng suất, chất lượng và áp dụng năng suất trong các trường đại học, cao đẳng”. Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục nhấn mạnh, mục đích chính của toạ đàm là giúp các em sinh viên hiểu biết rõ, sâu hơn về năng suất chất lượng và biết cách áp dụng năng suất một cách hiệu quả nhất trong giảng đường đại học cũng như cuộc sống.
“Nguyên nhân cốt lõi của trì trệ kinh tế và suy giảm sức cạnh tranh nằm ở bốn chữ: giảm sút năng suất. Giải pháp để duy trì một cuộc sống tốt đẹp hơn và luôn đạt được sự tăng trưởng cũng nằm ở bốn chữ: cải tiến năng suất.
Chính vì thế năng suất đóng vai trò rất quan trọng, là yếu tố then chốt quyết định năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, năng suất mang ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn xã hội, nó là động cơ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia”, TS. Hà Minh Hiệp khẳng định.
Lý giải về năng suất thấp và tác động của nó đến nền kinh tế của doanh nghiệp, TS. Hà Minh Hiệp cho biết, nó như một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại và không bao giờ ngừng, nếu không thay đổi tư duy và cách làm việc. Cụ thể, năng suất thấp dẫn đến giá bán tăng, giá bán tăng thì chi phí đơn vị tăng. Chi phí tăng nhưng tiêu thụ thấp, tiêu thụ thấp thì dùng không hết năng lực sản xuất và dẫn đến vốn quay vòng chậm. Từ đó lại trở về tình trạng ban đầu là năng suất thấp.
Trong bất cứ lĩnh vực nào, làm việc có năng suất luôn luôn đi cùng với bảo đảm chất lượng thì công việc mới đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.
Đại diện trường Đại học Trà Vinh tặng quà lưu niệm cho TS. Hà Minh Hiệp
Với hầu hết công ty, năng suất không quan trọng bằng lợi nhuận, mặc dù hai yếu tố này có liên quan chặt chẽ với nhau. Đối với cá nhân, năng suất lại có ý nghĩa thúc đẩy làm việc chăm chỉ hơn hoặc nếu không có thể sẽ bị sa thải. Những quan niệm sai lầm về năng suất thường xuất phát vì thiếu hiểu biết về ý nghĩa thực sự của thuật ngữ này. Chính vì thế, cần xóa bỏ bí ẩn về thuật ngữ năng suất, đưa năng suất trở thành một thuật ngữ thân thiện với xã hội.
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Nguyễn Bảo Ân - Bộ môn Công nghệ Thông tin Khoa Kỹ thuật & Công nghệ, Trường Đại học Trà Vinh cho biết, năng suất chất lượng trong giáo dục đại học thể hiện qua bốn tiêu chí. Thứ nhất, tăng cường chất lượng giảng dạy. Thứ hai, cải tiến chương trình đào tạo. Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Và cuối cùng, đảm bảo chất lượng đánh giá và kiểm định. Những tiêu chí trên đều chung mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo sự thành công của sinh viên trong học tập và sự nghiệp.
TS. Nguyễn Bảo Ân - Bộ môn Công nghệ Thông tin Khoa Kỹ thuật & Công nghệ, Trường Đại học Trà Vinh chia sẻ tại tọa đàm
Lấy ví dụ về vấn đề trên, TS. Nguyễn Bảo Ân cho hay, công cụ tự phản ánh (self-reflection tool) là để cho sinh viên biết mình “đang ở đâu” khi so sánh với bạn cùng lớp hoặc người khác. Từ đó, bản thân họ tự biết điều chỉnh chiến lược học tập của mình. "Việc đo lường, thu thập, phân tích và báo cáo dữ liệu về người học và bối cảnh của họ nhằm mục đích hiểu và tối ưu hóa việc học cũng như môi trường mà quá trình đó diễn ra” TS. Nguyễn Bảo Ân nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự chương trình Toạ đàm.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm.
Để hướng tới mục tiêu trở thành trường Đại học số theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo ra những con người số, được khai phóng tư duy, kỹ năng, sáng tạo, làm chủ công nghệ và là nguồn nhân lực góp phần tạo nên tương lai số của quốc gia và thế giới, TS. Nguyễn Bảo Ân cho rằng, cần bắt đầu từ năng suất chất lượng đến chiến lược chuyển đổi số, phát triển hạ tầng, vận hành hệ thống, phân tích dữ liệu hoạt động và cuối cùng là hành động cải tiến. Những bước làm trên như một vòng tuần hoàn và đây là những yếu tố cần thiết để phát triển mô hình đại học số nhằm hướng tới lời giải cho bài toán về nhân lực số mà Việt Nam đang rất cần.
Tại tọa đàm, TS. Hà Minh Hiệp đã có nhiều chia sẻ gửi đến các sinh viên trường Đại học Trà Vinh. Ông bày tỏ hy vọng sau buổi toạ đàm này sinh viên của trường sẽ tìm hiểu sâu hơn về năng suất chất lượng và áp dụng chúng cho cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ phổ biến rộng rãi hơn cho các em sinh viên về năng suất chất lượng, tiêu chuẩn chất lượng để cung cấp cho xã hội các công dân ưu tú và thành công mà đất nước đang mong đợi.