Truy xuất nguồn gốc: Ngành dệt may cần phát triển bền vững, linh hoạt với yêu cầu của thị trường
Hiện vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu. Điều này đòi hỏi ngành dệt may phải phát triển bền vững, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của thị trường.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu dệt may hiện nay. Ảnh minh họa
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu
Thông tin về bối cảnh của ngành, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, năm 2022, ngành dệt may xuất khẩu 44,4 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021 và tiếp tục đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu từ 45-47 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, thị trường thế giới hiện tác động rất lớn đến ngành dệt may trong nước. Lũy kế quý I/2023, kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Trương Văn Cẩm, môi trường kinh doanh của dệt may cũng như nhiều ngành sản xuất xuất khẩu khác đang biến động phức tạp. Và để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hiện nay, chỉ có lựa chọn phát triển bền vững, linh hoạt thích ứng với yêu cầu của thị trường.
Trong đó hiện vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang trở thành xu hướng bắt buộc của các thị trường nhập khẩu. Đơn cử, Hoa Kỳ yêu cầu tuân thủ đạo luật chống lao động cưỡng bức có hiệu lực từ tháng 6/2022, hay các nước thuộc khối EU cũng bắt đầu thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc với chuỗi cung ứng dệt may theo Luật tra soát chuỗi cung ứng. Đây là thách thức với ngành dệt may vì Việt Nam chủ yếu nhập nguyên phụ liệu, trong đó riêng mặt hàng bông, nhu cầu lên đến 1,6 triệu tấn mỗi năm và gần như nhập 100%.
Theo ông Kiều Hạnh Kha, Giám đốc Phát triển bền vững, Hiệp hội Bông Hoa Kỳ, sản phẩm dệt may từ Việt Nam đang có lợi thế trong truy xuất nguồn gốc với mặt hàng bông nguyên liệu khi nguồn cung chủ yếu nhập từ Hoa Kỳ, chiếm từ 45-60% tổng lượng bông nhập khẩu. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khu vực EU không chỉ xét đến bông nguyên liệu mà truy xuất nguồn gốc với tất cả nguyên phụ liệu khác hình thành một sản phẩm thời trang nhập khẩu. Đồng thời EU truy xuất nguồn gốc sản phẩm dệt may với các tiêu chí toàn diện cả về lao động và môi trường.
"EU đưa ra các tiêu chuẩn phát triển bền vững trong chiến lược phát triển dệt may, theo đó, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững, sắp tới đây họ sẽ bổ sung tiêu chí sản phẩm có thể tái chế. Bất kỳ khi nào các tổ chức đánh giá cũng có thể yêu cầu tra soát, đòi hỏi doanh nghiệp phải sẵn sàng, tức là luôn minh bạch thông tin chuỗi cung ứng", ông Kiều Hạnh Kha thông tin.
Doanh nghiệp dệt may cần làm gì để vượt qua thách thức?
Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia đều có những yêu cầu rất cao về tính minh bạch trong tuân thủ cam kết về lao động, môi trường và thực hiện truy xuất chuỗi cung ứng. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas, nếu sản phẩm dệt may từ Việt Nam không tuân thủ thì các quốc gia sẽ áp dụng chế tài thương mại ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam. Khi đó sẽ thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và thương hiệu ngành dệt may Việt Nam.
Chuyên gia từ Vitas cũng lưu ý với các doanh nghiệp cần cập nhật blacklist - danh sách những doanh nghiệp vi phạm cam kết quốc tế, để tính toán khi hợp tác với các bên.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cũng khuyến cáo, các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng với đối tác. Đối với các doanh nghiệp làm hàng gia công, trách nhiệm tuân thủ truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng thuộc về các nhãn hàng, đối tác. Các doanh nghiệp sản xuất FOB hoặc ODM, được quyền mua nguyên liệu, bán thành phẩm thì doanh nghiệp yêu cầu nhà cung ứng minh bạch nguồn gốc nguyên phụ liệu theo các quy định truy xuất nguồn gốc của Việt Nam cũng như các nước nhập khẩu.
Chia sẻ thực tế từ nhãn hàng, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Vận hành và quan hệ chính phủ của Adidas cho biết, nhãn hàng đưa ra yêu cầu cụ thể với các bên trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, công nghệ, năng lượng sạch... Ví dụ, những nguyên liệu mới cấu thành sản phẩm của Adidas phải là nguyên liệu có hàm lượng phát triển bền vững và được sản xuất từ dây chuyền phát thải carbon thấp.
Nhãn hàng này cũng đặt ra tiêu chí minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu đầu vào và phải kết nối với hệ thống truy xuất của Adidas. "Đáp ứng càng nhiều tiêu chuẩn thì nhà cung cấp được ưu tiên lựa chọn trong chuỗi cung ứng của nhãn hàng, có nhiều đơn hàng và giá trị đơn hàng cao hơn", ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết.
Phó Chủ tịch Vitas cho rằng, ngành dệt may đang có điều kiện thuận lợi thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững sau khi Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may - da giày từ nay đến 2030, tầm nhìn 2035. Theo đó, từ nay đến năm 2035, ngành dệt may sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, tiến lên giai đoạn phát triển bền vững hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Trương Văn Cẩm, tiến trình xanh hoá là mục tiêu và cũng là đòi hỏi tất yếu với ngành dệt may. Tỷ trọng chương trình phát triển xanh hoá trong lĩnh vực này hiện đã chiếm trên 50%. Năm 2023, mục tiêu đặt ra đạt tỉ lệ trên 70%. Đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư vào hạ tầng, môi trường, năng lượng tái tạo… đặc biệt liên quan tới nước cấp, nước thải và xử lý nước. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành may, sợi, dệt, nhuộm… đã đạt được các chuẩn mực trong Luật Môi trường Việt Nam cũng như đánh giá của khách hàng. Song, quá trình chuyển đổi như vậy cần nguồn lực đầu tư lớn, là thách thức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo định hướng chung, ngành dệt may phát triển theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại hóa; cải thiện cơ cấu sản phẩm, tập trung phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam.
Đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn về quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thiết kế và xây dựng thương hiệu trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường theo chuẩn mực quốc tế.
Thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt May, da giày; chú trọng đến sản xuất vải, vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, tác động tích cực đến mối liên kết, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành dệt may, da giày, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa, cải thiện và giảm nhanh khoảng cách chênh lệch về trình độ và năng suất với các nước có nền kinh tế phát triển cao hơn.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (năng lực nghiên cứu, thiết kế, kỹ thuật, công nghệ, quản lý) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các tiêu chuẩn ngành dệt may hiện nay
Dệt may là ngành nghề thiết yếu, các sản phẩm ngành dệt may phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam. Đáp ứng các tiêu chuẩn ngành dệt may, doanh nghiệp sẽ tăng thêm uy tín và lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vậy các tiêu chuẩn chứng nhận của ngành dệt may hiện nay là gì?
Tiêu chuẩn RCS
Một trong những tiêu chuẩn ngành dệt may được sử dụng phổ biến hiện nay đó là RCS. Tiêu chuẩn này thường được áp dụng trong quá trình theo dõi nguyên liệu thô tái chế.
Việc áp dụng tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng giúp các đơn vị sản xuất xác định được lượng nguyên liệu tái chế. Thông qua tiêu chuẩn, các doanh nghiệp có thể đảm bảo với người tiêu dùng về tính minh bạch trong thành phần của sản phẩm.
Tiêu chuẩn RDS
RDS cũng là tiêu chuẩn ngành dệt may được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Đây còn được gọi là tiêu chuẩn Lông vũ trách nhiệm xã hội (Responsible Down Standard). RDS không phải là tiêu chuẩn bắt buộc nhưng lại được áp dụng phổ biến vì mang lại nhiều lợi ích. Vì ngoài bảo vệ quyền lợi vịt hay ngỗng, tiêu chuẩn còn giúp truy xuất nguồn gốc của lông vũ được sử dụng trong chuỗi cung ứng.
Tiêu chuẩn RWS
RWS được xem là một trong những công cụ hoàn hảo giúp các thương hiệu khẳng định chất lượng của các sản phẩm len. Đồng thời, những mặt hàng gắn nhãn RWS còn giúp người tiêu dùng yên tâm về sự tương ứng giữa chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, tiêu chuẩn còn giúp các đơn vị sản xuất đảm bảo được sự uy tín vì tìm được nguồn len đáng tin cậy.
Tiêu chuẩn GRS
Trong số những tiêu chuẩn ngành dệt may được áp dụng phổ biến hiện nay có cả GRS. Đây là tiêu chuẩn giúp xác định thành phần tái chế của sản phẩm. Ngoài ra, GRS còn có ý nghĩa đặc biệt trong hoạt động xã hội và môi trường vì đảm bảo hạn chế sử dụng hóa chất độc hại. Thông qua đó, điều kiện làm việc và sự an toàn trong lao động cũng được đảm bảo.
Tiêu chuẩn GOTS
GOTS là tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu được thiết lập vào năm 2006. Tiêu chuẩn giúp đảm bảo được tình trạng hữu cơ của sản phẩm dệt may. Đặc biệt, GOTS áp dụng cho cả quá trình từ lựa chọn nguyên liệu thô cho đến khâu sản xuất.
Nhờ vậy, người dùng có thể yên tâm hơn về thành phần cũng như chất lượng của sản phẩm. Do đó, GOTS cũng là tiêu chuẩn ngành dệt may được sử dụng phổ biến trên toàn cầu hiện nay.
Tiêu chuẩn OCS
OSC là tiêu chuẩn có tác dụng trong việc xác minh được hàm lượng nguyên liệu hữu cơ trong sản phẩm. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn được dùng để áp dụng cho những sản phẩm có chứa 5 – 100% hàm lượng hữu cơ.
Đồng thời, việc áp dụng tiêu chuẩn giúp các đơn vị sản xuất theo dõi được hành trình của nguyên liệu trong suốt chuỗi cung ứng. Trong đó, đối tượng mà tiêu chuẩn hướng đến chính là các doanh nghiệp cũng đơn vị sản xuất mặt hàng từ nguyên liệu hữu cơ.
Tiêu chuẩn OEKO TEX
OEKO TEX là tiêu chuẩn được thiết lập nhằm giảm thiểu lượng chất độc hại có trong các mặt hàng dệt. Để những sản phẩm của mình có thể gắn nhãn OEKO TEX, các đơn vị áp dụng cần phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra nghiêm ngặt. Hiệu lực của chứng nhận OEKO TEX là một năm. Do vậy, các doanh nghiệp cần tiến hành gia hạn khi chứng nhận hết hiệu lực nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Tiêu chuẩn FSC
Ngoài những tiêu chuẩn ngành dệt may được đề cập trên thì FSC cũng là cái tên không nên bỏ qua. Vốn được hình thành bởi một tổ chức phi chính phủ, tiêu chuẩn có ý nghĩa trong việc đảm bảo sự bền vững của hệ thống quản lý rừng. Trên cơ sở đó, tiêu chuẩn giúp giảm thiểu được vấn nạn khai thác rừng trái phép. Nhờ vậy, việc bảo tồn và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng được đảm bảo tốt hơn.
Tiêu chuẩn ISO 14001
ISO 14001 vốn là tiêu chuẩn quy định về vấn đề quản lý môi trường được xây dựng bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế. Không chỉ hạn chế được những tác động xấu, tiêu chuẩn còn nâng cao hiệu quả hoạt động liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Thông qua đó, sản phẩm ngành may dệt cũng được đảm bảo chất lượng lẫn an toàn với người tiêu dùng.
Tiêu chuẩn ISO 5001
Thông qua tiêu chuẩn, các đơn vị sản xuất có thể từng bước tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống quản lý năng lượng. Điều này được thực hiện thông qua việc ghi chép, xem xét, kiểm toán và phân tích.
Tiêu chuẩn BSCI
BSCI được thiết lập bởi Hiệp hội Ngoại thương (FTA) vào năm 2003. Tiêu chuẩn có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng một diễn đàn chung. Đặc biệt, tiêu chuẩn có thể áp dụng cho hầu hết các đơn vị, tổ chức mà không phân biệt loại hình hay quy mô. Khi áp dụng trong ngành dệt may, tiêu chuẩn BSCI giúp xây dựng được môi trường làm việc lành mạnh cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động.
Tiêu chuẩn SMETA
Tiêu chuẩn cung cấp cho các đối tượng áp dụng một phương pháp đánh giá hiệu quả. Thông qua SMETA, các đơn vị có thể hạn chế được tình trạng chồng chéo trong việc đánh giá đạo đức cũng như trách nhiệm xã hội.
Tiêu chuẩn Bluesign
Khi áp dụng trong ngành may dệt, tiêu chuẩn góp phần quản lý một cách hiệu quả chất lượng cũng như tính an toàn của sản phẩm. Cụ thể, tiêu chuẩn giúp đảm bảo việc không sử dụng những chất hóa học độc hại khi sản xuất các mặt hàng dệt may.