Sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Bổ sung quy định về mã số, mã vạch?
Việc bổ sung các quy định về ứng dụng mã số, mã vạch trong giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được kỳ vọng sẽ giúp kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ; từ đó các bên tham gia vào chuỗi cung ứng có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, quản lý sản xuất, kho bãi,... Tuy nhiên, làm thế nào để việc bổ sung quy định như vậy không làm cản trở hoạt động kinh doanh là điều mà nhiều doanh nghiệp đang băn khoăn.
Mã số mã vạch trên một sản phẩm của Việt Nam. Ảnh: MH
Hướng đến việc quy định rõ
Những dãy số được ký hiệu bằng một dãy chữ số nguyên dưới một dãy các vạch đậm, nhạt, dài, ngắn khác nhau trên bao bì sản phẩm đã trở thành một hình ảnh quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam trong ba mươi năm trở lại đây. Năm 1995, xuất phát từ nhu cầu thực tế của việc sản xuất, kinh doanh thương mại trong nước cũng như xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) tham gia GS1 quốc tế - tổ chức mã số, mã vạch quốc tế với 115 quốc gia thành viên. Nhờ đó, Việt Nam đã có được mã quốc gia 893 và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (GS1 Việt Nam) đã triển khai cấp mã số doanh nghiệp GS1.
Không chỉ đơn thuần là giải pháp giúp người tiêu dùng dễ dàng thanh toán các mặt hàng trong siêu thị, mã số, mã vạch là một công cụ hữu hiệu được ứng dụng phổ biến trong quản lý và được sử dụng bởi tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng,... Trong quản lý chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm (công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy của sản phẩm, hàng hóa); phục vụ nhà sản xuất giám sát chất lượng sản phẩm, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm. Công cụ này cũng giúp người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm; tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm.
Ở phạm vi rộng hơn, mã số, mã vạch còn giúp thúc đẩy thương mại và hội nhập quốc tế thông qua việc: tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử toàn cầu; giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cung cấp dữ liệu sản phẩm cho đối tác thương mại; tích hợp với dữ liệu hải quan và cơ quan thuế nhằm tạo thuận lợi cho khai báo, thông quan, tính thuế; hỗ trợ kiểm soát luồng hàng xuất nhập khẩu.
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Bộ KH&CN, cho đến nay, mã số, mã vạch đã được áp dụng trong quản lý, sản xuất, kinh doanh thương mại… của các tổ chức trong nước. Nhiều mặt hàng mang mã số mã vạch của Việt Nam với mã quốc gia 893 đang được lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước, bên cạnh đó, hàng ngàn doanh nghiệp cũng đã sử dụng công nghệ nhận dạng và thu thập dữ liệu tự động bằng mã số mã vạch trong quản lý sản xuất và kinh doanh thương mại. Từ năm 2006 đến năm 2021, Việt Nam đã cấp mới 48.785 mã doanh nghiệp GS1; 57 mã rút gọn (EAN8); cấp giấy xác nhận cho 1.005 mã nước ngoài. Trong giai đoạn 2018-2021, 724 mã phân định địa điểm toàn cầu cũng đã được cấp.
Thực tế, việc quản lý nhà nước về mã số, mã vạch như vậy đã được quy định từ 20 năm trước theo Quyết định số 45/2002/QĐ-TTg ngày 27/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Để triển khai thực hiện, Bộ KH&CN cũng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn (như Quyết định số 15/2006/QĐ-BKHCN năm 2006 và Thông tư số 16/2011/TT-BKHCN năm 2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 15). Bên cạnh đó, do trong những năm gần đây, các nước đang tăng cường kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua việc ứng dụng mã số, mã vạch, đòi hỏi Việt Nam cần kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng như minh bạch hóa nguồn gốc của các sản phẩm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, trong đó đã bổ sung quy định về quản lý mã số, mã vạch, cũng như ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP, trong đó đã bổ sung quy định quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Thêm vào đó, trong bối cảnh việc chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn cầu, “việc định danh, mã hóa và thu thập thông tin dạng máy đọc là tiền đề để có thể số hóa, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các đơn vị trong chuỗi cung ứng và là nền tảng cho giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử”, báo cáo của Bộ KH&CN cho biết. Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hiện nay chưa quy định cụ thể nội dung về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch. “Do đó, để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng dụng mã số mã vạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, việc xem xét, bổ sung nội dung này vào trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là rất cần thiết”, báo cáo của Bộ KH&CN nhấn mạnh.
Cân bằng lợi ích
Theo đó, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa hướng đến việc bổ sung các quy định về ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ trở nên dễ dàng hơn; từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.
Người tiêu dùng mua hàng quét mã QR sản phẩm tại siêu thị.
Với việc bổ sung quy định như vậy, Bộ KH&CN kỳ vọng rằng Luật sửa đổi sẽ giúp cơ quan quản lý có căn cứ để thống nhất, tránh chồng chéo về nội dung ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý; đồng thời giải quyết được những bất cập trong thời gian vừa qua và theo kịp với xu hướng triển khai ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thế giới. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cũng sẽ có căn cứ để triển khai thống nhất hoạt động ứng dụng mã số, mã vạch, tránh trường hợp ứng dụng mã số, mã vạch không phù hợp với thông lệ quốc tế, làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như tốn kém về thời gian và kinh phí.
Tuy nhiên, theo phản ánh của VietQ, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản chế xuất (VASEP) cho rằng hiện nay ngoài mã số mã vạch đã có rất nhiều mã số khác như QRcode. “Sau này nhiều mã số khác sẽ sản sinh, liệu có thể đưa hết vào Luật hay không và tại sao chỉ đưa mình mã số mã vạch vào Luật, liệu mã số mã vạch chỉ để nhà nước quản lý có hợp lý? Trong khi đó, trên thế giới việc đưa mã số vào theo hình thức tự nguyện, không nhất thiết phải nhà nước quản lý. Vậy có nên để mã số mã vạch trong các Thông tư, văn bản quy định khác phù hợp hơn?”, đại diện này cho biết tại phiên thảo luận Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung.
Bên cạnh đó, theo đại diện Công ty TNHH Canon Việt Nam, việc quy định về mã số mã vạch cũng sẽ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp chế xuất, phải đăng mã nước ngoài rất phức tạp, và cản trở nhiều đến hoạt động. Do đó, công ty này đề xuất khi sửa đổi Luật, Bộ KH&CN nên nghiên cứu kỹ những thuật ngữ hay từ ngữ mang tính khuyến khích áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tại Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài.
Trước những ý kiến góp ý này, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, Bộ KH&CN và Tổng cục sẽ tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình sửa đổi Luật. “Việc doanh nghiệp sản sinh ra các loại mã như QRcode là việc riêng của doanh nghiệp và không ai quản lý, tuy nhiên, cách sửa Luật sẽ hướng tới làm sao có thể truy hồi, xử lý nếu vấn đề về chất lượng xảy ra. Mã số mã vạch được coi là công cụ mà hiện nay [vai trò] thực tiễn dễ nhìn thấy nhất chính là định vị và truy hồi sản phẩm khi có vấn đề xảy ra về chất lượng”, ông Hiệp giải thích thêm trên VietQ.
https://khoahocphattrien.vn/ (nttvy)