Nâng cao hiệu quả đối thoại và thương lượng tập thể tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP.HCM
Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Trường Đại học Tôn Đức Thắng chủ trì thực hiện, TS. Lê Thị Mai làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2022.
Đối thoại xã hội và thương lượng tập thể trong quan hệ lao động (QHLĐ) tại doanh nghiệp đã có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới. Thực tiễn QHLĐ tại các nước trên thế giới cho nhiều bằng chứng thuyết phục về vai trò của đối thoại và thương lượng tập thể (ĐT&TLTT) trong việc quản lý và giảm thiểu xung đột, xây dựng QHLĐ hài hoà, ổn định và phát triển. QHLĐ sẽ hài hòa, ổn định và phát triển nếu “điểm cân bằng” về phân chia lợi ích của các bên được xác lập thông qua ĐT&TLTT và các cơ chế, công cụ khác.
Nhận thức được vai trò của ĐT&TLTT đóng góp vào quá trình thực thi QHLĐ hài hòa, ổn định và phát triển, cơ sở pháp lý liên quan đến ĐT&TLTT ở Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện qua hệ thống các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và trong các điều, khoản của Bộ Luật Lao động năm 2012, sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ năm 2020; Luật Công đoàn 2012, sửa đổi năm 2019. Đồng thời, ngày 5-7-2019, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước số 98 của ILO - Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, có hiệu lực kể từ ngày 5-7-2020. Cùng với Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền tổ chức, Công ước số 98 tạo nền tảng thiết yếu cho QHLĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, đóng góp cho sự phát triển bền vững bằng cách trao quyền cho người lao động và người sử dụng lao động tự tìm ra các giải pháp thông qua đàm phán tự nguyện.
Mặc dù cơ sở pháp lý đã khẳng định vai trò và tầm quan trọng, xác định rõ ràng, cụ thể quy trình thực hiện, giám sát hoạt động ĐT&TLTT tại doanh nghiệp, song trên thực tế thời gian qua ở Việt Nam, ĐT&TLTT còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, hiệu quả hạn chế.
Đề tài nêu trên được thực hiện nhằm mục tiêu hệ thống hoá cơ sở lý thuyết nghiên cứu đối thoại và thương lượng tập thể. Từ kết quả khảo sát mẫu về thực trạng ĐT&TLTT tại doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả ĐT&TLTT nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hoà tại doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Đề tài đã xác định các định nghĩa làm việc và các chiều cạnh đo lường của khái niệm: đối thoại và thương lượng tập thể tại nơi làm việc (theo luật lao động sửa đổi 2019), điều kiện tiên quyết của đối thoại thực chất và hiệu quả. Trên cơ sở kết quả khảo sát 900 đơn vị mẫu đang làm việc tại 34 doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp FDI (DN FDI) trên địa bàn TP.HCM, đề tài đã hoàn thành được mục tiêu nghiên cứu. Cụ thể như sau:
(1) Về thực trạng ĐT&TLTT tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP.HCM:
+ Doanh nghiệp có tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp nhưng chỉ có 39,6% ở người được khảo sát tại DNTN và 15,2% ở DN FDI có tham gia ĐT&TLTT tại doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tổ chức đối thoại nhưng chủ yếu là độc thoại. Có nghĩa là chỉ tập trung vào việc truyền thông tin từ người sử dụng lao động (NSDLĐ), người quản lý đến người lao động (NLĐ) qua nhiều kênh khác nhau trong đó có kênh “gặp gỡ định kỳ giữa đại diện công đoàn và giám đốc với người lao động”. Đồng thời, tỷ lệ người được khảo sát ghi nhận nội dung thường xuyên được thảo luận nhiều nhất tại các cuộc ĐT&TLTT là “Rà soát tình hình sản xuất trong công ty/doanh nghiệp”. Những nội dung liên quan đến quyền lợi của NLĐ hầu như không có sự đàm phán, thương lượng ở doanh nghiệp, mặc dù những nội dung để “thương lượng tập thể” đều có ghi khá đầy đủ trong các biên bản ĐT&TLTT của doanh nghiệp.
+ Xét về các khía cạnh cụ thể cho thấy, hình thức trao đổi thông tin giữa các chủ thể ĐT&TLTT (NSDLĐ, NLĐ, công đoàn cơ sở), thời gian và người tổ chức ĐT&TLTT tại doanh nghiệp khá đa dạng. So với quy định chính thức trong Luật Lao động sửa đổi 2019 về ĐT&TLTT, chúng không phải là các cuộc ĐT&TLTT định kỳ chính thức và theo trình tự quy định của pháp luật. Nhiều cuộc họp không do NSDLĐ chủ trì, mà do chủ tịch CĐCS (công đoàn cơ sở) chủ trì, hoặc kết hợp đồng chủ trì. Về mục đích ĐT&TLTT tại doanh nghiệp, tỷ lệ cao nhất (với 40% người trả lời phiếu khảo sát trong các DN FDI và 50,7% người trả lời phiếu khảo sát trong các DNTN) nhận định rằng, mục đích đối thoại và thương lượng tại doanh nghiệp là “Rà soát lại tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”; các nội dung còn lại chỉ chiếm dưới 17% ý kiến người trả lời. Về nội dung ĐT&TLTT tại doanh nghiệp, nhìn tổng thể, các nội dung trao đổi tại các cuộc đối thoại giống như quy định trong luật pháp. Tuy nhiên, số lượng tuyệt đối cũng như tỷ lệ người thừa nhận những nội dung được thường xuyên thảo luận trong các cuộc ĐT&TLTT lại rất ít.
+ Một phát hiện quan trọng là, NLĐ chủ yếu tập trung vào các kiến nghị với NSDLĐ về tiền lương, tiền thưởng, các loại trợ cấp, phụ cấp, hỗ trợ đời sống,… Trong khi đó, NSDLĐ hầu như rất ít đưa ra thảo luận, trao đổi về những nội dung liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, đổi mới công tác quản lý, đề xuất sáng kiến cải tiến, tăng năng suất lao động. Có thể coi đây là hạn chế lớn nhất của việc tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp vì NLĐ không có cơ hội để được tham gia vào quá trình ra quyết định về những vấn đề liên quan đến quản lý, định mức/năng suất lao động. Do vậy, chưa phát huy được sức mạnh trí tuệ tập thể, tinh thần dân chủ của NLĐ trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
(2) Về hiệu quả ĐT&TLTT tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI qua đánh giá của người được khảo sát:
Kết quả khảo sát cho thấy, bên cạnh những hiệu quả tích cực giải quyết được những vấn đề của NLĐ, của doanh nghiệp, hoạt động ĐT&TLTT tại doanh nghiệp cũng còn tồn tại một số hạn chế. Có 41,3% NLĐ tham gia khảo sát đồng ý (trong đó 26,9% đồng ý và 14,4% NLĐ hoàn toàn đồng ý) với nhận định “sau đối thoại và thương lượng, các vấn đề của doanh nghiệp và của NLĐ không có gì thay đổi”. Điều này cho thấy các cuộc ĐT&TLTT tại doanh nghiệp chưa đi vào thực chất, chưa có hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh trong QHLĐ tại doanh nghiệp. Thậm chí những người phát biểu nhiều, đấu tranh nhiều tại buổi đối thoại bị gây khó khăn, phiền phức đến mức phải tự nguyện xin nghỉ làm. Thông tin từ các cuộc phỏng vấn phản ánh hành vi của các chủ thể ĐT&TLTT bị ảnh hưởng nhiều bởi giá trị “dĩ hòa, vi quí” định hướng hành vi ứng xử của NLĐ, CĐCS vốn yếu thế trong tương quan quyền lực với NSDLĐ tại doanh nghiệp.
(3) Yếu tố tác động đến hiệu quả ĐT&TLT tại doanh nghiệp:
Kết quả kiểm định tương quan giữa yếu tố tác động và hiệu quả của ĐT&TLTT như sau: nhận thức của NLĐ về nội dung và mục đích ĐT&TLTT càng cao, buổi ĐT&TLTT được tổ chức theo yêu cầu của CĐCS càng cao. Các cuộc ĐT&TLTT phải được tổ chức theo đúng những quy định của pháp luật; môi trường đối thoại cởi mở, thân thiện và dân chủ càng cao thì hiệu quả ĐT&TLTT càng cao.
(4) Một số mô hình ĐT&TLTT đã được đề xuất dựa trên kết quả kiểm định yếu tố tác động đến hiệu quả của ĐT&TLTT qua đánh giá của người được khảo sát như sau:
+ Mô hình ĐT&TLTT, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ở DN không nằm trong khu chế xuất – khu công nghiệp
+ Mô hình ĐT&TLTT, ký kết TƯLĐTT của DN trong chuỗi cung ứng
+ Mô hình ĐT&TLTT, ký kết TƯLĐTT nhiều DN
+ Mô hình ĐT&TLTT, ký kết TƯLĐTT ngành.
(5) Một số giải pháp nâng cao hiệu quả ĐT&TLTT tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI được khảo sát trên địa bàn TP.HCM, cần phải thực hiện:
+ Tăng cường sự phối hợp, liên kết trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc
+ Truyền thông nâng cao nhận thức của chủ thể ĐT&TLTT tại nơi làm việc
+ Nâng cao năng lực ĐT&TLTT của chủ thể QHLĐ
+ Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện ĐT&TLTT tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả ĐT&TLTT tại DNTN và DN FDI được khảo sát trên địa bàn TP.HCM gồm đề xuất mô hình để nâng cao hiệu quả ĐT&TLTT tại doanh nghiệp và nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả ĐT&TLTT tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI được khảo sát trên địa bàn Thành phố.
Về mô hình để nâng cao hiệu quả ĐT&TLTT tại doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể cho mô hình ĐT&TLTT, ký kết TƯLĐTT ở DN thông thường (là những DN trên địa bàn TP. Thủ Đức và các quận, huyện, không nằm trong 17 KCX - KCN, khu công nghệ cao của TP.HCM); mô hình ĐT&TLTT, ký kết TƯLĐTT của DN trong chuỗi cung ứng; mô hình ĐT&TLTT, ký kết TƯLĐTT nhiều doanh nghiệp; mô hình ĐT&TLTT, ký kết TƯLĐTT ngành.
Về các giải pháp nâng cao hiệu quả ĐT&TLTT tại doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI được khảo sát trên địa bàn TP.HCM, nhóm nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể như tăng cường sự phối hợp, liên kết trong lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện đối thoại tại nơi làm việc; truyền thông nâng cao nhận thức của chủ thể ĐT&TLTT tại nơi làm việc; nâng cao năng lực đối thoại và thương lượng của chủ thể QHLĐ (bao gồm nhóm giải pháp thúc đẩy các hoạt động ĐT&TLTT, nhóm giải pháp đối với tổ chức đại diện NSDLĐ, nhóm giải pháp đối với đại diện NLĐ); tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối thoại tại doanh nghiệp.