Vai trò của ISO/IEC 27001 đối với doanh nghiệp
Hệ thống quản lý (HTQL) an toàn thông tin (ATTT) theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 giúp doanh nghiệp thực hiện việc kiểm soát và định hướng cho các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến những hệ thống thông minh được kết nối tự động hóa cao. Đi cùng với đó là những rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt trong quá trình vận hành mạng lưới hệ thống kỹ thuật số, đó là vấn đề an ninh thông tin. Các hoạt động được liên kết để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với tốc độ chuyển đổi kỹ thuật số tăng lên, đồng nghĩa các cuộc tấn công vào mạng lưới thông tin của doanh nghiệp có thể tác động sâu hơn bao giờ hết.
Thực tế đã cho thấy, việc bảo mật trong nền tảng công nghiệp là việc làm vô cùng cần thiết. Hệ thống quản lý (HTQL) an toàn thông tin (ATTT) theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 giúp doanh nghiệp thực hiện việc kiểm soát và định hướng cho các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin. Hệ thống vận hành tốt sẽ giúp công tác đảm bảo an toàn thông tin tại doanh nghiệp được duy trì liên tục, xem xét đánh giá định kỳ và không ngừng cải tiến để đối phó với các rủi ro mới phát sinh, nhờ đó giúp cho hoạt động của tổ chức luôn thông suốt và an toàn.
Hệ thống quản lý (HTQL) an toàn thông tin theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 giúp doanh nghiệp kiểm soát và định hướng cho các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin.
Vận hành hiệu quả HTQL an toàn thông tin sẽ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh, tạo lòng tin với khách hàng, đối tác, thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và tăng cơ hội hợp tác quốc tế. Doanh nghiệp áp dụng HTQL chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 sẽ kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa sai lỗi, giúp cung cấp các sản phẩm/dịch vụ với chất lượng ổn định để thỏa mãn khách hàng. Đây được coi là HTQL chuẩn mực, có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cho mọi quy mô hoạt động.
Một doanh nghiệp áp dụng HTQL ISO 9001 sẽ tạo được cách làm việc khoa học, tạo ra sự nhất quán trong công việc, chuẩn hóa quy trình hoạt động, loại bỏ nhiều thủ tục không cần thiết, ngăn ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động, rút ngắn thời gian và giảm chi phí phát sinh do xảy ra những sai lỗi hoặc sai sót trong công việc, đồng thời làm cho năng lực trách nhiệm cũng như ý thức của cán bộ nhân viên nâng lên rõ rệt.
Đây là một trong những HTQL chiếm số lượng lớn nhất hiện nay. Quá trình chuyển đổi số đã và đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam và trên thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, các doanh nghiệp đã tìm hiểu tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đồng thời tăng cường tính bảo mật thông tin.
Thực tiễn tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng HTQL chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc HTQL ATTT theo tiêu chuẩn ISO/IEC 27001. Tuy nhiên việc tích hợp hai tiêu chuẩn này chưa thật sự phổ biến. Với sự ra đời của tiêu chuẩn ISO 9001:2015 với cấu trúc cấp cao (HLS) gồm 10 điều khoản giúp cho việc triển khai đồng thời các hệ thống quản lý gặp nhiều thuận lợi.
Đồng thời để nâng cao năng lực và uy tín, doanh nghiệp luôn mong muốn áp dụng được đồng thời các HTQL trong đó ISO 9001 là nền tảng kết hợp với bảo mật thông tin theo ISO/IEC 27001 trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Việc áp dụng mô hình tích hợp giúp doanh nghiệp giảm bớt các tài liệu chung đồng thời tích hợp vào hoạt động sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp thấy rõ lợi ích mang lại.