Hiệp định khung về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN sửa đổi sẽ được các nước ASEAN ký kết
Sau 25 năm thực thi Hiệp định khung về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau của ASEAN gọi tắt là AFA MRA 1998, đến nay Hiệp định đã được sửa đổi. Các nước ASEAN đã thống nhất sẽ ký kết theo hình thức luân phiên để Hiệp định sớm có hiệu lực thay thế cho Hiệp định năm 1998.
Từ lâu, các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đã trở thành một công cụ hữu hiệu được nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế và khu vực khuyến khích áp dụng để thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trên thế giới. Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO/TBT), Điều 6.3 quy định “các thành viên được khuyến khích, khi các thành viên khác yêu cầu, sẵn sàng tham gia đàm phán để ký kết các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả của các thủ tục đánh giá sự phù hợp với các thành viên khác”. ASEAN cũng thừa nhận MRA về đánh giá sự phù hợp thông qua việc loại bỏ thử nghiệm và chứng nhận nhiều lần đối với hàng hoá lưu thông giữa các nước trong khu vực, chính là một trong những công cụ để thực hiện các điều khoản của Hiệp định ATIGA nhằm cắt giảm các rào cản kỹ thuật không cần thiết đối với thương mại trong khu vực, hỗ trợ thúc đẩy hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Nhằm tạo cơ sở để xây dựng và triển khai các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA) trong các lĩnh vực sản phẩm cụ thể, từ đó góp phần cắt giảm hàng rào kỹ thuật trong thương mại, thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, ngày 16/12/1998 tại Hà Nội, các quốc gia thành viên ASEAN đã ký “Hiệp định khung ASEAN về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau” (AFA MRA 1998).
Kể từ khi có hiệu lực, AFA MRA 1998 đã trở thành khung hướng dẫn để các nước ASEAN xây dựng và triển khai các MRA trong các lĩnh vực ưu tiên hội nhập khu vực, cụ thể: MRA ASEAN về thiết bị điện, điện tử (ASEAN MRA EE); MRA ASEAN về thanh tra thực hành sản xuất tốt các cơ sở sản xuất dược phẩm (ASEAN MRA GMP); MRA ASEAN về báo cáo kết quả nghiên cứu tương đương sinh học thuốc generic (ASEAN MRA BE); MRA ASEAN về hệ thống giám định và chứng nhận vệ sinh thực phẩm chế biến sẵn (ASEAN MRA PF); MRA ASEAN về chứng nhận kiểu loại xe cơ giới (APMRA), và MRA ASEAN về vật liệu xây dựng (BCMRA).
Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (ACCSQ) cũng ban hành Hướng dẫn xây dựng thoả thuận thừa nhận lẫn nhau vào năm 2014 để các nhóm công tác sản phẩm của ACCSQ có thể tham khảo, từ đó tối ưu quá trình xây dựng một MRA để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Trước tình hình thực tế của ASEAN có nhiều thay đổi và nhu cầu hội nhập kinh tế khu vực ngày càng cao, các nước thành viên đã thống nhất xây dựng dự thảo mới nhằm thay thế AFA MRA 1998 với những nội dung cập nhật hơn, phù hợp với các cam kết trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các văn bản pháp lý liên quan khác.
Tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN)/Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) với vai trò cơ quan đại diện Việt Nam trong ACCSQ đã chủ trì đàm phán, trình Chính phủ ký kết, phê duyệt và triển khai AFA MRA.
ACCSQ - cơ quan chủ trì sửa đổi Hiệp định AFA MRA.
AFA MRA 1998 với vai trò là một hiệp định khung đã đưa ra hướng dẫn cho các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam từ quá trình đàm phán đến khâu tổ chức thực hiện các MRA chuyên ngành. Trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực TCĐLCL, việc ký kết các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau song phương và đa phương được khuyến khích để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước như đã được nêu tại các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hoá 2007 và các văn bản có liên quan.
Theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành, Bộ KH&CN/Tổng cục TCĐLCL cũng là cơ quan chủ trì triển khai MRA ASEAN về điện, điện tử. Đối với các MRA ASEAN thuộc phạm vi phụ trách của các Bộ khác như dược phẩm, thực phẩm chế biến sẵn, ô tô, vật liệu xây dựng, Bộ KH&CN/Tổng cục TCĐLCL có trách nhiệm tư vấn, đóng góp ý kiến giúp các Bộ liên quan đảm bảo tuân thủ các nội dung của AFA MRA cũng như pháp luật của Việt Nam về đánh giá sự phù hợp.
Ngày 26/3/2021, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 36/NQ-CP về việc ký “Hiệp định khung ASEAN về thoả thuận thừa nhận lẫn nhau” (AFA MRA), trong đó giao Bộ KH&CN làm đầu mối, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai văn kiện sau khi ký kết và có hiệu lực.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện AFA MRA với những nội dung công việc chính bao gồm 5 nhiệm vụ chính như: 1) Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định AFA MRA; 2) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành phù hợp với Hiệp định AFA MRA; 3) Các sáng kiến thực thi AFA MRA; 4) Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực và 5) Triển khai nghĩa vụ thành viên AFA MRA.
Đối với AFA MRA 1998, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 27/2007/TT-BKHCN vào năm 2007 hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các hiệp định và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp. Thông tư cung cấp các hướng dẫn cơ bản để các Bộ, cơ quan liên quan làm căn cứ để ký kết và tổ chức triển khai các MRA về các sản phẩm chuyên ngành cụ thể. Theo thời gian, một số quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay do một số căn cứ pháp lý của Thông tư này đã hết hiệu lực như: Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14/06/2005 (nay là Luật điều ước quốc tế ngày 9/4/2016); Pháp lệnh ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế ngày 20/04/2007 (nay là Luật Thỏa thuận quốc tế ngày 13/11/2020 và Nghị định số 65/2021/NĐ-CP ngày 30/6/2021 về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế); Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19/05/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 54/2003/NĐ-CP (nay là Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN)… Do đó, việc rà soát Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN là một nội dung khuyến nghị của bản kế hoạch thực hiện AFA MRA trong thời gian tới.
Bản dự thảo Kế hoạch thực hiện AFA MRA đã nhận được sự nhất trí của các Bộ liên quan. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới các Bộ, ngành sẽ cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau cho các sản phẩm ưu tiên hội nhập trong ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu vực ASEAN.
Bản dự thảo kế hoạch thực hiện AFA MRA dự kiến sẽ được trình Chính phủ ban hành cùng với hồ sơ phê duyệt Hiệp định AFA MRA sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định này.