Công cụ cải tiến năng suất: Giải pháp giúp doanh nghiệp giảm lãng phí
Các công cụ cải tiến năng suất như: Kaizen, KPI, 7 công cụ thống kê (7QC Tool),… là những giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường.
Áp lực cạnh tranh gay gắt đòi hỏi doanh nghiệp phải bứt phá và vượt lên chính mình để cung cấp sản phẩm có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong điều kiện tối ưu hóa các quá trình để có thể cạnh tranh về giá, đồng thời vẫn đảm bảo phát triển bền vững, hiệu quả.
Trên thực tế, tại Việt Nam việc áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng vẫn còn khá mới mẻ, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi việc áp dụng thành công công cụ cải tiến năng suất sẽ tác động đến mọi thành phần kinh tế trong xã hội. Doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận. Người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt với chi phí hợp lý, người lao động gia tăng thu nhập.
Các công cụ cải tiến năng suất như: Kaizen, KPI, 7 công cụ thống kê (7QC Tool),… là giải pháp giúp doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, loại bỏ khuyết điểm, giảm lãng phí không đáng có nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường. Điểm đặc biệt là việc áp dụng công cụ NSCL đều ít tốn kém, không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hay công nghệ mới nhưng có thể đem lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích rõ rệt.
Để có được năng suất vượt trội doanh nghiệp cần hạn chế những yếu kém và thúc đẩy các giá trị của mình.
Theo chuyên gia tại Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), những năm gần đây ghi nhận số lượng hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất chất lượng được duy trì áp dụng đã tăng lên đáng kể. Việc này một mặt là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp cho thấy việc nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và công cụ cải tiến NSCL đã được quan tâm đúng mức.
Mặt khác, cho thấy bối cảnh và môi trường hoạt động kinh doanh đang ngày càng phức tạp. Khi mà công cuộc hội nhập đòi hỏi yêu cầu khắt khe hơn khiến doanh nghiệp áp dụng nhiều hệ thống hơn, chình vì vậy đôi khi gây chồng chéo và làm mất nhiều thời gian đánh giá hiệu quả cho doanh nghiệp.
Những hệ thống quản lý và công cụ cải tiến NSCL được doanh nghiệp áp dụng có thể kể đến như hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000/ HACCP, hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp OHSAS/ISO 45001 và các công cụ năng suất chất lượng (KPI, Kaizen, QCC, 7QC).
Những hệ thống quản lý và CCNSCL này thường được xây dựng và áp dụng độc lập. Tuy nhiên, theo nguyên tắc vận hành của hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn thì về cơ bản tất cả hệ thống quản lý đều có phương pháp tiếp cận chung và có thể được kiểm soát, vận hành, áp dụng theo một cách tích hợp, đồng thời có thể lồng ghép áp dụng CCNSCL trong các hệ thống quản lý tích hợp. Hiện nay, trong nước và thế giới đều đã có xu hướng tích hợp cho các Hệ thống quản lý với CCNSCL mà không xây dựng riêng rẽ từng hệ thống như trước.
Trên thế giới, việc tích hợp các hệ thống quản lý đã được áp dụng nhiều. Các chuyên gia quản lý của các tổ chức chất lượng lớn trên thế giới như Del Norske Veritas (DNV), Hiệp hội Châu Âu về chất lượng, Viện đảm bảo chất lượng đã đưa ra giải pháp hợp nhất các mô hình hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp thành mô hình quản lý tích hợp. Villasedor (2004) dự đoán khoảng 10% công ty ở Tây Ban Nha có khả năng thực hiện hệ thống quản lý tích hợp (IMS - Integrated Management System) với các mức độ tích hợp khác nhau.
AENOR (tổ chức Tây Ban Nha về tiêu chuẩn hoá và chứng nhận) đang triển khai tiêu chuẩn Tây Ban Nha gọi là: “Hướng dẫn triển khai chiến lược tích hợp ở các công ty”. Mục đích nhằm giúp các công ty chọn được mức độ tích hợp phù hợp theo cấu trúc công ty và triển khai chiến lược thích hợp nhằm đạt được các kết quả hiệu quả hơn so với trước.
"Hướng dẫn triển khai chiến lược tích hợp" bao gồm hướng dẫn, đề nghị cho việc tích hợp, có cấu trúc như sau: đầu tiên là việc kiểm tra ban đầu về tình trạng của công ty liên quan đến các hệ thống quản lý khác nhau. Sau đó, công ty phải phân tích thuận lợi và rào cản cho việc thực hiện IMS và cuối cùng, với những dữ liệu này, công ty có thể sẵn sàng để chọn kiểu tích hợp phù hợp nhất tùy thuộc vào cấu trúc của công ty.